Được bảo hộ "tận răng", ngành mía đường vẫn sống lay lắt

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 29/08/2017 18:40 PM (GMT+7)
Cùng một xuất phát điểm nhưng đến nay, ngành mía đường Việt Nam đã bị các nước khác trong khu sực Asean bỏ xa. Việc nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất đường đã và đang trở thành mục tiêu sống còn với cả doanh nghiệp lẫn nông hộ...
Bình luận 0

Khởi động đầu thập niên 90, đến năm 1994, mía đường Việt Nam mới bắt đầu hình thành một nền công nghiệp non trẻ. Khi chương trình 1 triệu tấn đường được phát động (1995 – 2000), các địa phương thiếu quy hoạch dài hạn ngay từ ban đầu, đua nhau xây dựng nhà máy đường (NMĐ), mà hệ quả của sự phát triển “nóng” này là ít lâu sau nhiều NMĐ phải đóng cửa.

Thua cả năng suất, sản lượng

img

Theo Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trồng mía chỉ mới đạt 59% diện tích. Ảnh: N.V

Nông dân phải tự ý thức trở thành nông dân mới nếu không muốn bị thua người Thái. Họ phải kết hợp xung quanh các NMĐ. Các NMĐ chủ động đầu tư từ “A tới Z”. Trong tương lai, mía mới là cây làm giàu vì lúa chỉ là cây làm cho no bụng”.

GS Võ Tòng Xuân

Khi chương trình 1 triệu tấn đường được phát động, các tỉnh đua nhau xây dựng  NMĐ với mục tiêu lúc đó là tiết kiệm ngoại tệ; tạo công ăn việc làm cho nông dân... Chỉ trong thời gian ngắn (từ 1995 – 2000), số lượng NMĐ đã tăng từ 9 lên tới 44 nhà máy.

Sau khi hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn đường, từ năm 2001- 2003, ngành mía đường bắt đầu rơi vào khủng hoảng, hầu hết các NMĐ làm ăn thua lỗ, nông dân nhiều nơi bỏ trồng mía. Mặc dù chương trình 1 triệu tấn đường đã đạt được mục tiêu về số lượng, nhưng giá thành sản xuất mía quá cao, lên tới 50 - 55 USD/tấn, trong khi của Brazil chỉ 13 - 16 USD/tấn, Australia 18 - 29 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn… nên hiệu quả kinh tế thấp và không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu.

Báo cáo của các cơ quan quản lý cho thấy, trong giai đoạn 2001 - 2003, các NMĐ trên cả nước đã lỗ khoảng 2.700 tỷ đồng. Trừ một số nhà máy có điều kiện gần vùng nguyên liệu có thể duy trì hoạt động, không ít nhà máy do công nghệ lạc hậu hoặc ở quá xa vùng nguyên liệu, đã không thể phát huy hiệu quả và buộc phải đóng cửa.

Đến thời điểm này, cả nước có 41 NMĐ, tổng công suất ép mía 140.000 tấn/ngày, tăng 1,5 lần so với 2005, tăng 12,7 lần so 1995. Nhưng so với năng suất mía bình quân thế giới (70 tấn/ha) thì trong nước còn thấp hơn 8,8%; việc xuất khẩu đường cũng chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc. Theo ông Phạm Hồng Dương - Giám đốc Công ty đường Thành Thành Công, nếu Brazil được xem là quốc gia sản xuất, xuất khẩu mía đường hàng đầu thế giới thì ở châu Á, Thái Lan là quốc gia đứng đầu về lĩnh vực này.

Diện tích mía của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam, nhưng sản lượng đường lại cao gấp 8 lần. Philippines có 450.000ha mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường. Việt Nam có 300.000ha mía nhưng mỗi vụ chỉ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường.

Được bảo hộ, vẫn sống lay lắt

Trong hơn 20 năm qua, nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ ngành mía đường. Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đánh giá hệ thống văn bản chính sách vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ nên còn nhiều hạn chế tác động đến đầu tư phát triển ngành.

Theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA, chính sách về sử dụng đất nông nghiệp thông qua nhận chuyển quyền sử dụng, điều kiện để được nhận chuyển quyền sử dụng được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất lớn.

Chính sách giao và cho thuê đất đã cải thiện đáng kể sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Tuy nhiên diện tích mía nguyên liệu hiện chủ yếu thuộc các nông hộ (khoảng 30.000 hộ). Quy mô còn nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ từ 0,7 – 1,5ha vùng đất đồi và 0,3 – 0,5ha vùng đất ruộng bằng. “Điều này dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, giải pháp khoa học công nghệ; tác động đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành và sức cạnh tranh chung của ngành mía đường” - ông Doanh nói.

Ông Võ Văn Ten - nông dân trồng mía tại Tây Ninh thì cho rằng Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý trong việc giám sát phân chia thu nhập, lợi ích giữa người sản xuất nguyên liệu mía với nhà máy và người tiêu dùng. Đến nay, 93% diện tích vùng nguyên liệu mía được các NMĐ bao tiêu theo hợp đồng. Nhưng nhiều quy định còn thiếu ràng buộc, chưa minh bạch, nhất là với giá mua mía, kiểm soát chữ đường, đánh giá tạp chất,... “Khi xảy ra tranh chấp, thì phần lớn thua thiệt thuộc về người nông dân” - ông Ten nói.

Việt Nam đang áp dụng hai biện pháp bảo hộ đôi với ngành mía đường là công cụ thuế quan và hạn ngạch. Nhưng từ năm 2018 trở đi, đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là mối đe doạ lớn đối với ngành công nghiệp mía đường.

Trong nước, hệ thống kênh phân phối vẫn là yếu điểm của ngành đường. Đường RE, RS từ kho đến tay người tiêu dùng đã bị đội giá lên 4.000-5.000 đồng/kg. Theo VSSA, các nhà máy đường chỉ đảm nhiệm khâu chế biến trong chuỗi sản xuất. 90% sản lượng đường từ các nhà máy được các công ty thương mại mua lại để bán ra thị trường.

Theo GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp, phải mất 2 năm nếu nhà nước thực sự muốn đẩy mạnh năng lực cạnh tranh của ngành đường. Nhưng xem ra điều này cũng rất khó vì hiện nay, diện tích mía của chúng ta chỉ bằng 1/5 Thái Lan, lại đang thu hẹp dần vì nông dân không thấy có lợi hơn so với cây trồng khác... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem