Vì sao đưa “trâu rừng” về nhà nuôi tập trung, đồng bào dân tộc Kơ Ho ở Lâm Đồng giàu lên?

Văn Long Thứ bảy, ngày 18/02/2023 18:50 PM (GMT+7)
Những đàn trâu rừng lang thang trong rừng thông tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) của đồng bào dân tộc Kơ Ho nhiều năm qua đã được đưa về chuồng trại nuôi tập trung, quy mô. Theo đó, nhiều hộ gia đình nuôi trâu tập trung đã khá giả, giàu có lên.
Bình luận 0

Nhiều năm qua, những đàn trâu sống lang thang khắp các cánh rừng thông của người dân tộc thiểu số, trong đó có người Lạch (thuộc dân tộc Kơ Ho) tại huyện Lạc Dương đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người địa phương cũng như du khách. Trâu nhà nhưng lại nuôi theo cách hoang dã là cách chăn nuôi độc đáo của người dân tộc thiểu số tại Lạc Dương.

Đưa “trâu rừng” về chuồng nuôi tập trung, thay đổi thói quen của người dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Một đàn "trâu rừng" của đồng bào dân tộc Kơ Ho tại Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đang lang thang kiếm ăn trong rừng thông đoạn gần "cây thông cô đơn".

Anh Cil Phlit (dân tộc Lạch, 32 tuổi, tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) cho biết, gia đình anh nuôi trâu theo kiểu bán hoang dã đã được hơn 30 năm, cách đây vài năm, bố mẹ anh đã giao lại cho anh chăm sóc. 

Đàn trâu 18 con đang phát triển khỏe mạnh nên anh thường thả chúng vào rừng tự kiếm ăn. Thường từ 1-2 tuần anh Cil Phlit mới vào thăm chúng và mang muối và thức ăn cho chúng. Chỉ khi nào khó khăn lắm, gia đình anh mới lùa trâu vào chuồng để bắt rồi đem bán cho thương lái.

Đưa “trâu rừng” về chuồng nuôi tập trung, thay đổi thói quen của người dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Anh Cil Phlit thỉnh thoảng vào thăm đàn trâu của gia đình mình và mang muối vào cho chúng ăn để không quên mùi chủ, đây cũng là cách làm của người Lạch (dân tộc Kơ Ho) khi thả trâu vào rừng ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Trong khi đó, anh Liêng Jrang Ha Khe Ly (thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình anh cũng giống người trong làng theo tập quán, cách làm xưa của ông cha là thả bầy trâu hàng trăm con vào trong rừng để chúng tự kiếm ăn. 

Chính vì chăn thả bán hoang dã nên đàn trâu quá đông, anh cũng không biết chính xác đàn trâu của mình còn hay tăng lên bao nhiêu con. Thời gian gần đây, nhiều gia đình trong vùng đã làm chuồng, đưa trâu bò của mình về chăn nuôi tập trung, vì vậy, anh Khe Ly cũng làm theo và đưa 15 con trâu về chuồng nuôi.

Đưa “trâu rừng” về chuồng nuôi tập trung, thay đổi thói quen của người dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Trâu thả trong rừng dần dần được người dân đưa về chuồng gần nhà chăm sóc.

"Những con trâu tôi đưa về chuồng nuôi của chúng tôi được cán bộ xã hướng dẫn chăm sóc bài bản, có máng thức ăn, nước uống, phân và nước tiểu được dọn dẹp sạch sẽ. Hơn nữa, trâu được ăn uống đầy đủ nên nhanh lớn, trâu mẹ đã mang bầu, đẻ nghé. Vì nguồn gốc là trâu rừng nên đàn trâu của tôi rất to, lại được chăm sóc bài bản nên chúng rất nặng, mỗi con trâu trưởng thành nặng vài trăm kg có giá đến 30-40 triệu đồng", anh Liêng Jrang Ha Khe Ly chia sẻ.

Đưa “trâu rừng” về chuồng nuôi tập trung, thay đổi thói quen của người dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Các hộ dân tại Đạ Sar khi đưa trâu về chuồng đã trồng cỏ để có thức ăn cho trâu.

Chính vì đưa được trâu về nuôi trong chuồng, được chăm sóc, bảo vệ nên tình trạng trâu quên chủ, mất trâu như trước đây đã không bị tiếp diễn. Hơn nữa, chủ trâu không phải đi lùa, bắt trâu khó khăn như trước đây khi gia đình có việc cần bán trâu. Vì vậy, việc làm này của người dân địa phương rất được chính quyền xã ủng hộ.

Trao đổi với phóng viên, bà Liêng Jrang K’Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 25-30 hộ dân làm chuồng, đưa trâu về gần nhà chăn nuôi. Cách làm thay đổi tập quán truyền thống này giúp cho người dân địa phương dần ổn định cuộc sống và có thu nhập ổn định.

Đưa “trâu rừng” về chuồng nuôi tập trung, thay đổi thói quen của người dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

"Trâu rừng" khi đưa về chuồng được cho ăn nhiều loại thức ăn khác nhau và chăm sóc cẩn thật nên rất béo tốt.

"Hiện nay, ước tính của chúng tôi còn hàng ngàn con trâu của các hộ gia đình vẫn được chăn thả trong rừng núi. Có một số đàn trâu để ngoài hoang dã quá lâu khiến chúng đến ruộng vườn của người dân phá, chính vì vậy, chính quyền địa phương rất ủng hộ và vận động người dân đưa trâu về chuồng nuôi. Loại trâu này lại rất to và chắc thịt nên thương lái rất thích.

Hiện nay giá bán trâu đang khá ổn định nên bà con có trâu trong rừng đang tiếp tục mở rộng chuồng trại, đưa trâu về chuồng nuôi. Song song với đó, việc bán phân trâu cũng mang lại thu nhập ổn định cho bà con người dân tộc thiểu số tại địa phương", bà Liêng Jrang K’Sáu thông tin.

Đưa “trâu rừng” về chuồng nuôi tập trung, thay đổi thói quen của người dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Những chú trâu rừng to béo trước khi được được bà con dân tộc Kơ Ho (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đưa về chuồng chăn nuôi tập trung, giúp nhiều gia đình khá giả, làm giàu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem