Cuộc thi không chỉ hay mà còn hấp dẫn. Vì giải thưởng to, thậm chí vượt cả nhiều cuộc thi ảnh toàn quốc khác.
Và thực tế số lượng ảnh dự thi gửi về là đông, và phong phú. Chủ đề văn hóa, nhất là mảng lễ hội được khai thác khá nhiều, một phần vì lễ hội có vẻ như dễ khai thác (có vẻ chứ thực tế không dễ!), nhiều màu sắc bắt mắt, tạo hình ấn tượng nhất là các lễ hội có yếu tố hành động nhiều (Ná Nhèm, Gầu Tào - kéo vợ…) hay các lễ hội vùng cao đậm màu sắc Tây Bắc… Những chủ đề lớn chưa thấy có, nhưng đã được Ban tổ chức (BTC) đặt hàng rồi sẽ có, là những vấn đề thực sự của nông thôn như: Di dân ra thành thị, thiếu phụ nữ ở nhiều làng quê, giữ gìn bản sắc làng quê trong cơn lốc đô thị hóa…
Nhưng thực sự nhiều khi những câu chuyện nhỏ đi vào thân phận lại làm người xem xúc động. Vấn đề nằm ở cách kể (bằng hình ảnh và cả bằng lời) giản dị, chân thành không màu mè mà giả tạo.
Những bức ảnh của cô bé tật nguyền tự chụp về bản thân mình, trong nhiếp ảnh là thể loại self-portrait (tự chụp) làm người xem rung động. Và chắc chắn những người khác chụp về cô bé không thể có những “shot” hình thấm đẫm cảm xúc của “người trong cuộc” như vậy.
Có câu “ 1 bức ảnh bằng ngàn lời nói” nhưng thực sự với ảnh báo chí, ngay cả với ảnh báo chí thế giới, phần lời (text)là cực kỳ quan trọng, nó bổ sung làm rõ câu chuyện hình ảnh chưa nói hết, nó không phải là sự mô tả thô thiển hình trong bức ảnh mà là thông tin thêm về nhân vật ,sự kiện, ý nghĩa của sự kiện…
Tiếc là nhiều tay máy gửi ảnh đến đã quá coi nhẹ phần text (điều này là thực tế ngay cả với cuộc thi ảnh báo chí quốc gia) và kết quả là biên tập viên ảnh nằm trong ban tổ chức cuộc thi phải gia cố, sửa sang, thậm chí “mạ” lại ít nhiều.
Một nhược điểm khác là cách kết cấu 1 bộ ảnh có vấn đề. Nhiều tác giả đã không biết “tiết chế” lòng tham khi cứ gửi đủ số ảnh tối đa cho 1 bộ ảnh mà không biết về nguyên tắc khi chấm (đánh giá) 1 bộ ảnh thì Ban giám khảo (BGK) không đánh giá từng bức ảnh đơn lẻ mà chấm tổng thể ấn tượng chung, thông điệp chuyển tải và hình thức thể hiện, vì thế 1 bộ ảnh gồm 8 ảnh tốt và 1 ảnh tồi thì tấm ảnh tồi đó có thể kéo tụt cả câu chuyện xuống.
Thực tế ở VN, nhiều cuộc thi, BTC và BGK đã phải làm 1 việc cực chẳng đã là bố cục lại toàn thể bộ ảnh, sắp xếp lại, bỏ bớt ảnh tồi, ảnh thừa ra để tạo nên 1 câu chuyện kể rõ ràng cho thí sinh. Rõ ràng có những bộ ảnh sau khi được biên tập lại tốt hơn rất nhiều, có điều nó sẽ không thể thắng giải cao nhất khi BTC phải dúng tay vào quá nhiều.
Một bộ ảnh tốt, một phóng sự ảnh hay, tấm ảnh mở đầu khá quan trọng, nó đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện, trong khi tấm ảnh kết có thể là một kết thúc, có khi là 1 sự gợi mở. Cũng như 1 tấm ảnh đinh đóng vai trò thu hút làm điểm nhấn cho toàn bộ bộ ảnh là điều nên làm.
Người đàn ông với bộ mặt nhem nhuốc... hớn hở trong bộ ảnh "Đám cưới với rượu, nước, nhọ và bùn". Sự chân thật không thể bịa tạo nên sức sống đặc biệt của những bộ ảnh trong Cuộc thi ảnh Đất & Người
Sự tham gia của nhiều tay máy nghiệp dư lại là điểm mạnh của cuộc thi. Bởi lẽ nghiệp dư tham gia chính vì sự yêu nghề, máu lửa chứ không vì sức ép. Nghiệp dư nên không mắc vào khuôn mẫu, sáo mòn mà nhiều khi có cái nhìn tươi mới, đầy sáng tạo. Đề tài nông thôn rất phong phú, đa dạng nhưng với những ai không yêu mến vùng quê thì khó có được những góc nhìn cảm xúc.
Cảm xúc bao giờ cũng đứng trước kỹ thuật, cũng như sự rung động chân thành sẽ vượt qua sự màu mè, giả tạo. Cũng như đã là cuộc thi ảnh báo chí, sự dàn dựng đã bị hạn chế ở mức nghiêm ngặt nhất (dàn dựng cho phép mức độ với ảnh chân dung) còn photoshop bị tuyệt đối cấm. Bởi sự thật luôn là sự thật, thế nên nếu có những tấm ảnh nuột nà yêu chiều thị giác trong một cái giả cũng không thể được lựa chọn trong cuộc thi.
Việt Văn (Việt Văn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.