Trang điện tử Apostrof dẫn lời cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo đối ngoại Ukraine, Đại tướng Nikolai Malomuzh cho rằng, việc Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác với Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lập trường, quan điểm của Kiev về bán đảo Crimea.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Ông Nikolai Malomuzh nhắc lại rằng, theo Hiệp ước nói trên, về mặt pháp lý Bán đảo Crimea chính thức thuộc Ukraine và được Nga công nhận.
Hiệp ước này quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
"Tất cả cần phải có cơ sở pháp lý vững chắc, thế mà chúng ta lại giúp họ có một cái cớ đó là việc chúng ta chấm dứt Hiệp ước này. Và Nga sẽ có cớ nói rằng họ lấy lại Bán đảo Crimea mà không vi phạm Hiệp ước" - vị tướng Ukraine cảnh báo.
Tướng Nikolai Malomuzh đồng thời cảnh báo nguy cơ gia tăng căng thẳng tại miền Đông Ukraine nếu Kiev chấm dứt Hiệp ước với Nga.
Với kế hoạch chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác với Nga, Kiev còn kỳ vọng việc đặt căn cứ hải quân mới trên vùng biển Azov nằm giữa Crimea, Nga và Ukraine sẽ biến Moscow phải "nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán" với Kiev.
Trung tướng Ukraine Vasily Bogdan tin rằng việc các tàu chiến của Ukraine hiện diện trong khu vực có thể tác động đến quá trình thực thi thỏa thuận Minsk và hàng loạt các vấn đề liên quan, kể cả việc lấy lại bán đảo Crimea từ tay Nga.
Vị này cáo buộc Nga gần đây đang tăng cường sức hiện diện quân sự trên vùng biển Azov và không thể loại trừ khả năng Nga có thể sử dụng vùng biển này làm bàn đạp tấn công Ukraine từ khu vực gần Mariupol hay Berdyansk.
Trước đó, ngày 16/9, trang Facebook chính thức của Nội các Ukraine đã đăng tải thông tin rằng từ nay đến cuối năm 2018, nước này sẽ thiết lập một căn cứ hải quân mới trên Biển Azov. Hai tàu pháo của Hải quân Ukraine đã được đưa đến khu vực Berdyansk để chuẩn bị cho căn cứ mới.
Không lâu trước đó, cơ quan biên phòng Nhà nước Ukraine đã thông báo rằng 270 quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm sẽ được triển khai tới các đơn vị quân đội trong khu vực Biển Azov và Biển Đen.
Tuy nhiên, việc Ukraine tăng cường các động thái gây hấn với Nga sẽ chỉ càng khiến Moscow, với một sức mạnh quân sự vượt trội cả Ukraine và phương Tây, tăng cường công tác phòng thủ và bảo vệ phần lãnh thổ mà họ đã tuyên bố chủ quyền.
Đúng như cách mà vị Đại tướng Ukraine Nikolai Malomuzh đã tuyên bố, càng đẩy mình vào thế đối đầu với Nga, về mặt pháp lý, Ukraine sẽ chỉ càng bất lợi.
Trở về câu chuyện chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác với Nga, ngay các giới chức Ukraine đã cảnh báo về thiệt hại kinh tế.
Nghị sĩ Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) Vadim Rabinovich tuyên bố, việc ngừng giao dịch thương mại với Nga sẽ phá hủy nền kinh tế Ukraine.
"Cán cân thương mại của chúng ta với châu Âu hầu như bằng không. Cán cân thương mại với Nga đang tăng trưởng hàng tháng. Nếu cả ở Nga chúng ta cũng biến thành con số 0 hoặc âm thì chúng ta sẽ làm cái gì với ai?" - ông Rabinovich nói.
Số liệu thống kê của Cơ quan dữ liệu Nhà nước Ukraine (Ukrstat) mới được công bố, các doanh nghiệp Nga là nhà đầu tư lớn nhất vào Ukraine trong nửa đầu năm 2018.
Số tiền đầu tư từ Nga đã chiếm 34,6% - tỷ lệ cao nhất trong tổng số 1,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Ukraine.
Đây là nguồn tiền ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và cuộc sống của công dân Ukraine. Do đó, nếu như sự hợp tác này không còn sau khi Kiev từ chối Hiệp ước đối tác với Nga, những người dân Ukraine là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Viktor Suslov cho biết, Nga là một thị trường quan trọng trong phân phối hàng hóa của Ukraine và là thị trường cung cấp những mặt hàng cực kỳ quan trọng cho Ukraine như nguyên liệu hạt nhân.
Chấm dứt Hiệp ước với Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới nền kinh tế hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến các chương trình nghiên cứu không gian hay vũ khí của Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này lấy làm tiếc trước việc Ukraine quyết định hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác mà hai nước ký kết năm 1997, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với “các chính trị gia Ukraine có trách nhiệm hơn”.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Trong một nỗ lực nhằm phục vụ các lợi ích về địa chính trị và tham vọng của nước ngoài, chính quyền Ukraine cho thấy họ sẵn sàng phá hủy những thành tựu được tích lũy trong nhiều năm trời, phá bỏ mối quan hệ được ông cha chúng ta xây dựng cho nhiều thế hệ sau... Cuộc khủng hoảng giữa hai nước chắc chắn sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, rõ ràng Nga phải khôi phục quan hệ với các chính trị gia Ukraine khác có trách nhiệm hơn".
Sơn Dương (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.