EU sẽ cấm đến 90% dầu Nga vào cuối năm nay

Lê Phương (NBCNews) Thứ ba, ngày 31/05/2022 13:29 PM (GMT+7)
Hôm 30/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm vận hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào khối cuối năm nay như một phần của các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.
Bình luận 0
EU sẽ cấm đến 90% dầu Nga vào cuối năm nay - Ảnh 1.

Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU hôm 30/5 ở Brussels để thảo luận về vấn đề Ukraine, năng lượng và an ninh lương thực. Ảnh: AP

Lệnh cấm vận áp dụng cho dầu Nga vận chuyển theo đường biển, trong khi vẫn tạm thời cho phép vận chuyển dầu bằng đường ống. Đây được đánh giá là một động thái rất quan trọng để đạt được sự đồng thuận từ Hungary, quốc gia không giáp biển.

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho biết thỏa thuận này sẽ cấm tới hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula Von der Leyen tuyên bố động thái trừng phạt này sẽ "cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào EU cuối năm nay".

Theo ông Michel, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ trị giá 9,7 tỷ USD. Không rõ liệu số tiền này sẽ được tài trợ hay cho vay.

Gói trừng phạt mới cũng bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với một số cá nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, sẽ bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ngoài ra, ba đài truyền hình nhà nước lớn của Nga sẽ bị ngăn không cho phân phối nội dung ở EU.

"Chúng tôi muốn ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga", Michel nói. "Hơn bao giờ hết, điều quan trọng là phải chứng tỏ rằng chúng ta rất mạnh mẽ, vững vàng, và có thể đưa ra những biện pháp cứng rắn".

Ông Michel cho biết thêm các biện pháp trừng phạt mới cần sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên và sẽ được thông qua về mặt pháp lý vào hôm 1/6.

EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt trước đó đối với Nga. Các biện pháp hạn chế nhằm vào hơn 1.000 người, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu của chính phủ cũng như các nhà tài phiệt ủng hộ Điện Kremlin, cùng một số ngân hàng, tổ chức...

Tuy nhiên, gói biện pháp thứ sáu được công bố vào ngày 4/5 đã bị trì hoãn do lo ngại về nguồn cung dầu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói rõ rằng ông chỉ có thể ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nếu an ninh nguồn cung dầu của đất nước ông được đảm bảo. Hungary lấy hơn 60% lượng dầu của mình từ Nga và phụ thuộc vào dầu thô đi qua đường ống Druzhba từ thời Liên Xô.

EU nhận khoảng 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga, và những chia rẽ về vấn đề này đã cho thấy  giới hạn trong tham vọng của khối.

Trong một bài phát biểu trực tuyến dài 10 phút, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các nhà lãnh đạo rằng hãy chấm dứt "những tranh cãi nội bộ chỉ khiến Nga ngày càng gây áp lực nhiều hơn lên toàn bộ châu Âu".

Ông nói :"Gói trừng phạt phải được nhất trí và cần phải có hiệu lực càng sớm càng tốt, để Moscow cảm thấy cái giá phải trả cho những hành động của họ ở Ukraine cũng như phần còn lại của châu Âu. Chỉ khi đó, Nga mới bắt đầu tìm kiếm hòa bình".

Hôm 31/5, vấn đề an ninh lương thực sẽ được đưa ra bàn thảo, trong đó dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ khuyến khích chính phủ của họ đẩy nhanh tiến độ thực hiện "các làn đường đoàn kết" để giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc cùng nhiều sản phẩm khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem