Đây là vấn đề mà Báo NTNN đã phản ánh và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ.
Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho biết: Tập đoàn luôn nhận thức đầy đủ việc áp dụng chi trả phí dịch vụ MTR là chính sách lớn của Nhà nước nhằm bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo.
|
Không được thanh toán phí dịch vụ môi trường rừng, cuộc sống nhiều hộ trồng và bảo vệ rừng ở Sơn La đang rất khó khăn. |
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ MTR áp dụng cho các Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim, Hoà Bình và Đại Ninh thuộc EVN, mặc dù tài chính hết sức khó khăn nhưng EVN đã cố gắng nộp tiền chi trả.
Số tiền chi trả dịch vụ MTR mà EVN đã nộp cho các nhà máy thủy điện trong 2 năm 2009 và 2010 như sau: Công ty Thủy điện Hoà Bình 70.147.943.360 đồng (năm 2009), và 23.812.467.800 đồng (2010); Công ty TĐ Đa Nhim là 17.709.959.160 đồng (2009) và 23.869.620 đồng (2010); Công ty Thủy điện Đại Ninh 17.442.128.000 đồng (2009), 20.616.654.180 đồng (2010).
Đối với các Công ty Thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh, theo ông Tri, EVN đã thực hiện nộp đầy đủ, đúng hạn. Riêng đối với Công ty Thủy điện Hoà Bình, do số tiền chi trả dịch vụ MTR quá lớn, tập đoàn đã cố gắng bố trí vốn để nộp nhưng đến nay vẫn còn nợ 218.191.921.080 đồng do quá khó khăn về vốn.
Trong giá điện năm 2010 và năm 2011, khoản tiền để trả phí dịch vụ MTR đối với các nhà máy thủy điện chưa được phê duyệt tính vào phương án giá điện nên EVN không có nguồn để chi trả. Ngày 24.2.2011, tập đoàn đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tài chính, trong đó có đề nghị tạm miễn nộp tiền chi trả dịch vụ MTR.
“Thời gian vừa qua và hiện nay, tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực VN vô cùng khó khăn. Tập đoàn đang cố gắng lo đủ tiền để trả tiền mua điện, dầu, trả gốc và lãi vay ngân hàng” - ông Tri nói.
Để giảm bớt khó khăn, ngày 28.4.2011, EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị cho phép tập đoàn nộp số còn nợ tiền chi trả dịch vụ MTR năm 2009 và năm 2010 của Nhà máy Thủy điện Hoà Bình vào quý III và quý IV/2011.
Hương Thủy
Ông Nguyễn Ngọc Bình - Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp: Thủy điện nợ thì phải trả
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: Thực hiện Quyết định 380 ở các tỉnh phía Bắc, đến nay chỉ có Thuỷ điện Hoà Bình, Suối Sập vẫn còn nợ tiền của người dân ở Sơn La. Đáng lẽ, họ cần phải trả sớm, nếu có khó khăn gì thì báo cáo Thủ tướng, chứ không thể để dây dưa, kéo dài như thế được. Việc đóng góp này là rất cần thiết, để người dân có kinh phí bảo vệ rừng, còn nợ thì đương nhiên phải trả.
Về sự việc tại Sơn La, ông Bình chia sẻ: “Bản thân chúng tôi bây giờ cũng bị tỉnh Sơn La đòi suốt ngày. Bộ cũng đã có văn bản gửi Công ty Thuỷ điện Hoà Bình, nhưng không hiểu sao đến nay họ vẫn chưa trả. Đối với Thuỷ điện Hoà Bình, không chỉ có Sơn La, mà còn liên quan đến cả 5 tỉnh khác là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hoà Bình, Yên Bái. Quan điểm của chúng tôi là, thuỷ điện phải có trách nhiệm đóng góp để bảo vệ rừng, để trả tiền cho dân, chứ Nhà nước không thể trả thay cho thuỷ điện”.
Ngọc Lê (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.