Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL -Sóc Trăng lần thứ nhất 2013: Thêm vui, thêm đoàn kết

Thứ sáu, ngày 15/11/2013 06:56 AM (GMT+7)
20 giờ tối nay (15.11), tại TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng), Lễ hội Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất chính thức khai mạc với chủ đề “Trăng và hồn lúa”.
Bình luận 0
Đậm bản sắc văn hóa Khmer

Đây là lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống đặc sắc vùng sông nước Cửu Long lần đầu tiên được tổ chức Festival, với mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, vốn quý văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 - 17.11. Ông Mai Khương – Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival cho biết: “Việc tổ chức Festival lần này nhằm bảo tồn và phát huy lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer mang tính chuyên nghiệp và có quy mô như một sự kiện văn hóa du lịch tại Sóc Trăng, là một nhu cầu cấp thiết, rất có ý nghĩa về văn hóa xã hội”.

Lễ hội Festival Đua ghe ngo đã mở màn.
Lễ hội Festival Đua ghe ngo đã mở màn.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh thêm: “Thông qua việc tổ chức Festival lần này, Sóc Trăng mong muốn du khách hiểu rõ hơn vùng đất, con người, văn hóa, sự thân thiện, hiếu khách của người dân Sóc Trăng”.

Điểm nhấn của lễ khai mạc Festival lần I là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa (phần hội), với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Sân khấu hóa vụ mùa và nghi thức cúng lễ nông nghiệp của người Khmer, tất cả hướng về “Trăng và hồn lúa... Các hoạt động trọng điểm của Festival đều mang đậm bản sắc văn hóa Khmer; các hoạt động hỗ trợ mang tính chất văn hóa cộng đồng.

Từ ngày 11 - 16.11, tại Sóc Trăng đã diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất - một trong những hoạt động chính của Festival Đua ghe ngo 2013. Tham gia có 10 đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer của 6 tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu và Vĩnh Long, với gần 500 diễn viên, nghệ nhân. Nhiều vở Dù kê nổi tiếng đã được trình diễn, như: “Nàng Xê Đa”, “Hương sắc tình quê”, “Truyền thuyết Vua Thần”…
Tú An

Về hoạt động đua ghe ngo, ngoài các đội chủ nhà Sóc Trăng còn có các đội tuyển đua ghe ngo đến từ các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… với hơn 60 đội. Giải vô địch đồng hạng cự ly 1.000m sẽ có 2 hạng mục cho nam và nữ, thi đấu trực tiếp. Có 4 hạng được trao giải thưởng và mức thưởng là 200 triệu đồng dành cho ghe về hạng Nhất.

Trụ trì chùa Champa xã Phú Tân, một trong đội đua ghe ngo của huyện Châu Thành - Thạch Sươl phấn khởi cho biết: “Để tạo điều kiện cho các đội ghe có dịp tranh tài và rút kinh nghiệm để tham dự Festival, trước đó huyện đã tổ chức giải đua ghe ngo. May mắn là đội ghe chùa Champa đã vượt qua 7 đối thủ khác để giành ngôi vô địch”.

Thắm tình đoàn kết

Tại Festival lần này còn diễn ra nhiều hoạt động tái hiện những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào Khmer, biểu hiện sự tri ân của con người đối với thiên nhiên. Đó là “Lễ cúng Trăng” để nói lên tấm lòng biết ơn đối với Mặt trăng đã giúp người dân có được vụ mùa bội thu và mong ước tiếp tục được hỗ trợ, giúp cho mùa màng được tốt tươi trong những năm tiếp theo; “Lễ thả đèn nước” thể hiện sự kính trọng, tạ ơn “đất” và “nước” đã giúp con người sinh sống, sản xuất và mong muốn ngày càng nhận được thêm nhiều điều tốt lành. Triển lãm ảnh “Sóc Trăng xưa”. Tại đây, sẽ trưng bày những bức ảnh về con người, nếp sinh hoạt, phong cảnh, kiến trúc của địa phương của thế kỷ trước.

Tại Festival còn diễn ra hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực, hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa... để giới thiệu những nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em đang sinh sống tại địa phương.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem