Festival Huế sau 10 lần tổ chức vẫn đang... lớn chậm

Thứ bảy, ngày 05/05/2018 07:40 AM (GMT+7)
Festival Huế 2018 chính thức kết thúc, tối 2.5 bên dòng sông Hương thơ mộng, bên Đại Nội cổ kính, trước Kỳ đài uy nghi, người dân Huế đã có đêm giã bạn đầy lưu luyến để “hẹn một ngày mai ta về Huế yêu”.
Bình luận 0

img

Bên cạnh những điều đã làm được thì Festival Huế vẫn còn những hạt sạn khiến đến kỳ thứ 18, Festival vẫn chưa chuyên nghiệp. Ảnh: NĐT

Nhưng, gần 20 năm với 10 kỳ lễ hội diễn ra trên đất cố đô, bên cạnh những dấu ấn vẫn còn những hạt sạn, những bất cập làm xấu xí một lễ hội mang tầm quốc gia, quốc tế.

Dừng ở mức... “đang lớn chậm”

Kể từ năm 2000, Festival Huế dần dà trở thành một chương trình lễ hội đặc sắc vào các năm chẵn. Nhưng 18 năm qua với 10 kỳ tổ chức, Festival Huế vẫn đang dừng lại ở mức độ... “đang lớn chậm”. Đáng ra đến bây giờ, Festival Huế phải là một kỳ lễ hội không có “hạt sạn” nào, hoặc có thì ít và nhỏ, thế nhưng, những bất cập, cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp vẫn cứ lặp lại một cách khó hiểu.

Festival Huế 2018 lấy điểm nhấn là những di sản của Huế được thế giới công nhận với “1 điểm đến 5 di sản” với những hình ảnh ấn tượng, thế nhưng, chương trình “Âm vọng sông Hương” lại bị đối chọi, chồng lấn âm thanh với một lễ hội bia mang hơi hướng hiện đại, sôi động nằm cách đó không xa.

Sự thiếu chuyên nghiệp này đã gây khó chịu, bực tức cho người xem. Chỉ đến khi đạo diễn chương trình yêu cầu chương trình lễ hội bia tắt nhạc hoặc vặn nhỏ âm thanh thì ban tổ chức mới luống cuống vào cuộc. Nói về vấn đề này tại họp báo sau kỳ lễ hội, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế - thừa nhận đó là sự thiếu sót và mong được thông cảm. “Chúng tôi cũng nhận thấy điều đó, cái này chúng tôi xin rút kinh nghiệm” - ông Dung nói.

Cũng ở vấn đề chồng lấn âm thanh, trong lễ hội “Chợ quê ngày hội” khi người dân và du khách đang hào hứng với những câu hò, điệu hát của bài chòi thì bên cách đó những dàn âm thanh của các gian hàng lại mở nhạc xập xình, sôi động khiến người xem... tức tối. Nhiều người phản đối và cho rằng có nên cho những dàn âm thanh sôi động với những bài hát không hợp gu vào một lễ hội mang đậm chất thôn quê như thế hay không? Thế nhưng lại không nhận được câu trả lời từ ban tổ chức.

Tệ nạn bài bạc diễn ra ngay cả trong không gian lễ hội “Chợ quê ngày hội”. Sân khấu của một số chương trình chật chội, khu vực cho báo chí tác nghiệp chật cứng khiến công tác truyền thông khó khăn. Những “hạt sạn” trong Festival Huế đã khiến du khách khó chịu...

Sau Festival, Huế sẽ còn lại gì?

Sau Festival, Huế sẽ còn đọng lại gì và lấy gì để phục vụ cho nhu cầu du khách vào ngày thường - là những câu hỏi, những thắc mắc mà nhiều người quan tâm.

Trong kỳ Festival Huế lần này, một trong những chương trình mang đậm chất “cây nhà lá vườn” do Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế đảm nhận đã để lại dấu ấn khá lớn, đó là chương trình “Văn hiến kinh kỳ”.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế - cho biết, chỉ trong 2 ngày diễn ra chương trình, Trung tâm đã ghi nhận được sự quan tâm của du khách về chương trình này. “Những hàng ghế không bỏ trống, những chiếc ghế phụ chuẩn bị trước cũng “cháy” và đặc biệt là không có khách nào bỏ về giữa chừng khi chương trình đang diễn ra. Đó là sự thành công nhất mà chúng tôi mong muốn” - ông Hải hồ hởi.

Ông Hải không giấu giếm tham vọng muốn chương trình này được đưa vào trình diễn cho du khách trong lần mở cửa Đại Nội Huế về đêm lần 2 sắp đến. “Chúng tôi rất muốn chương trình này được đưa vào phục vụ du khách trong lần mở cửa Đại Nội về đêm sắp đến. Trung tâm cũng đang bàn bạc và phối hợp với các đơn vị khác để phát triển chương trình này”- ông Hải thông tin.

Ngoài sự ấn tượng của chương trình “Văn hiến kinh kỳ”, Hoàng cung Huế cũng để lại sự thích thú với du khách khi cây cảnh, hoa lá từ ba miền hội tụ về khoe sắc trong vườn Cơ Hạ, vườn Thượng Uyển. Nhiều người mong muốn sau Festival những cây cảnh, hoa ba miền sẽ tiếp tục được trưng bày lại để thu hút du khách. Thế nhưng, ông Hải cho rằng điều này sẽ rất khó khăn vì đây là những cây cảnh, hoa của người chơi ba miền chỉ hội tụ về đây để trưng bày và không phải tài sản của Trung tâm nên rất khó. “Việc trưng bày cây cảnh, hoa ở hai khu vườn kia cũng góp phần làm cho du khách có điểm đến tham quan. Nhưng rất tiếc sau Festival thì những cây đó không còn ở lại được vì chủ nhân của nó phải đem về. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ kết nối được với cây cảnh ba miền để tổ chức những lễ hội, những trưng bày như vậy nhằm thu hút khách” - ông Hải thông tin.

Trong cuộc họp báo sau lễ hội, một số phóng viên đặt câu hỏi về việc khi nào Huế sẽ trở thành Thành phố Festival, ông Nguyễn Dung cho biết điều này cũng đang là định hướng của UBND tỉnh và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất cho báo chí. “Festival năm nay là kỳ lễ hội thu hút được lượng diễn viên không chuyên lớn nhất nhưng chất lượng thì rất tốt. Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các lễ hội... là những vấn đề lớn mà chúng tôi quan tâm trong đề án để xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival thực sự” - ông Dung cho hay.

Họp báo trước thềm khai mạc Festival 2018, ông Nguyễn Dung có nhấn mạnh, sau khi lễ hội kết thúc, sẽ cùng ngồi lại, chỉ ra những điều làm được và chưa làm được để cùng “nhặt sạn” cho sự thành công của kỳ lễ hội sau. Những “hạt sạn” đã được báo chí chỉ ra, liệu ban tổ chức có thực sự muốn “nhặt” như lời hứa của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế để Festival Huế sẽ thực sự chuyên nghiệp hơn trong lần sau?

Đắc Thành - Hưng Thơ (Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem