Gà "sách đỏ" tấm tắc khen ngon, sao 10 năm dân chả dám nuôi thêm?

Thứ năm, ngày 02/01/2020 19:45 PM (GMT+7)
Gà Móng (xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được xác định là con nuôi bản địa đặc sản với nhiều ưu điểm: trọng lượng lớn (gà trống lên đến hơn 3 kg), chất lượng thịt ngon, mềm, thơm hơn nhiều giống gà khác. Đây là đối tượng con nuôi được bảo tồn gen và có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hiện nay gà Móng vẫn chưa thực sự phát huy được thế mạnh.
Bình luận 0

Trang trại gà Móng của anh Nguyễn Văn Thắm có quy mô lớn nhất tại xã Tiên Phong và cũng là nơi bảo tồn gen giống gà Móng đặc sản khoảng 10 năm nay. Với diện tích khu trang trại hơn 3 ha, khả năng có thể nhân đàn lên đến trên 10.000 con. Tuy nhiên, số lượng đàn cũng chỉ duy trì thường xuyên hơn 3.000 con, với trên 50% đàn là giống bố mẹ.

img

Đàn gà Móng bố mẹ trong trang trại của anh Nguyễn Văn Thắm, xã Tiên Phong.

Thực tế, trong quá trình sản xuất và làm nhiệm vụ bảo tồn gen gà Móng, anh Thắm rất cố gắng để mở rộng đàn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất gặp khá nhiều khó khăn. Hiện tại, số gà Móng thương phẩm của anh Thắm chủ yếu bán trên thị trường tự do, tập trung vào một số đầu mối tại thành phố Hà Nội.

Do không có được hợp đồng ổn định nên lượng tiêu thụ và giá bán rất bấp bênh. Có thời điểm thị trường gia cầm trầm lắng, các đầu mối này về thu mua ít, giá hạ dưới 100 nghìn đồng/kg, dẫn đến hòa vốn và thua lỗ.

Anh Thắm cho biết: Gà Móng chỉ phù hợp với cách nuôi truyền thống, do vậy chi phí sản xuất cao, thời gian nuôi kéo dài hơn so với nuôi công nghiệp. Một con gà Móng cho chất lượng thịt ngon phải đạt 7 – 8 tháng tuổi trở lên. Chính vì thế, nếu bán gà thương phẩm với giá thấp sẽ không có công, thậm chí thua lỗ, vì vậy người chăn nuôi chúng tôi không dám mở rộng đàn.

Xã Tiên Phong hiện nay có khoảng 600 hộ nuôi gà Móng, chiếm 70% số hộ trên địa bàn. Tổng đàn gà Móng của xã đạt khoảng 30 nghìn con, trong nhiều năm chưa tăng đàn. Quy mô đàn của mỗi hộ khá nhỏ lẻ, manh mún, đa phần chỉ  nuôi khoảng 30 – 100 con/hộ.

img

Nuôi gà Móng-"gà sách đỏ" ở xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, lẻ...Do thị trường tiêu thụ khó khăn, bấp bênh nên ít có hộ dân nào dám đầu tư chăn nuôi gà Móng ở quy mô lớn...Ảnh: Internet.

Chỉ có rất ít hộ nuôi số lượng vài trăm đến vài nghìn con. Riêng gà bố mẹ thường biến động không ổn định theo chiều hướng giảm. Hiện tổng đàn bố mẹ (trong đó phần lớn là gà mái) chỉ có khoảng dưới 10.000 con, bằng 70% lúc cao điểm nhất (15.000 con). 

Ông Lê Đức Thủy, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội gà Móng Tiên Phong cho biết: Địa phương luôn xác định, chăn nuôi gà Móng là một trong những hướng đi chính của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hướng đi này chưa thực sự phát huy được thế mạnh, hiệu quả.

Thời gian qua, ngoài việc triển khai công tác bảo tồn gen gà Móng, hỗ trợ người dân kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi… ngành chức năng đã tích cực giới thiệu các doanh nghiệp về tìm hiểu hướng đến ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Cùng với đó, ngành chức năng đã khởi động Dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gà Móng. Trong đó dự định đầu tư xây khu sơ chế gà Móng tại trang trại của anh Nguyễn Văn Thắm. Tuy nhiên, đến nay khu sơ chế vẫn chưa được hình thành, vấn đề “đầu ra” cho gà Móng đang là khó khăn, trăn trở của người chăn nuôi địa phương.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thị trường tiêu thụ khó nhưng người chăn nuôi gà Móng ở Tiên Phong lại hạn chế trong việc đầu tư làm thị trường cho sản phẩm; Hiệp hội gà Móng Tiên Phong chưa phát huy hết được khả năng, nhất là đại diện cho người chăn nuôi giới thiệu, tìm kiếm thị trường trong hoạt động.

Giải quyết tốt được vấn đề trên mới mong sản phẩm gà Móng đặc sản sẽ được người tiêu dùng đón nhận, nhờ đó mới có thể phát triển được quy mô tổng đàn, thực sự trở thành hướng đi chính trong phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Mạnh Hùng (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem