Báo Dân Việt ngày 1/10 đã đăng bài viết "Hà Giang: Ai cho phép cắm "gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng?" phản ánh việc tòa nhà 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama Hostel - Restaurant - Coffee xây dựng trái phép ngay hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng, làm cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng.
Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý về công trình vi phạm được xây kiên cố trên đỉnh Mã Pí Lèng (Hà Giang) mà Báo điện tử Dân Việt vừa phản ánh.
Trong khi đỉnh Mã Pí Lèng được coi là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia từ tháng 11/2009.
Loạt bài sau khi đăng tải đã gây được hiệu ứng xã hội rất lớn, nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà báo, nhà nhiếp ảnh... đã chia sẻ bài viết của Dân Việt trên trang mạng xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trước tiên cơ quan chức năng cần làm rõ quá trình thẩm định, phê duyệt, cấp phép cho công trình này.
Theo luật sư Cường, qua hình ảnh mà Báo điện tử Dân Việt đăng tải, thấy đúng là công trình xây dựng này không khác gì một cái "gai bê tông" giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ của di sản là Đèo Mã Pí Lèng.
Công trình xây dựng này đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây bức xúc trong dư luận, bởi vậy UBND huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang cần phải có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật.
“Theo thông tin từ ông UBND huyện Mèo Vạc đã được Dân Việt đăng tải, công trình này của một hộ dân TP Hà Giang xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi từ năm 2018 và hoàn thành từ đầu năm 2019, công trình này xây dựng không có giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng đã phá vỡ cảnh quan di tích, danh thắng cấp quốc gia Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Như vậy, với thông tin từ UBND huyện Mèo Vạc có thể thấy công trình này là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không được phép tồn tại. Ngoài ra công trình này đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của di sản văn hóa Mã Pí Lèng.
Bởi vậy việc xử lý vi phạm quy định về đất đai, vi phạm trật tự xây dựng là cần thiết, cần áp dụng các quy định của pháp luật để buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép này” – vị luật sư thông tin.
Về chế tài xử lý, theo luật sư Cường, có thể áp dụng đối với chủ đầu tư của công trình này là xử phạt đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xây dựng với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Ngoài hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, công trình này cũng vi phạm quy định về sử dụng đất và có thể bị áp dụng Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, mức xử phạt cũng lên tới 50.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Từ những phân tích trên, vị luật sư nhấn mạnh, thẩm quyền giải quyết xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà GIang.
Hành vi vi phạm luật đất đai, vi phạm luật xây dựng (xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi) có thể bị xử phạt hành chính và bị buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
“Mã Pí Lèng là di sản văn hóa, là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nên thơ, hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Bởi vậy, UBND huyện Mèo Vạc và UBND tỉnh Hà Giang, Cục Di sản văn hóa, Sở văn hóa... cần có biện pháp để đảm bảo gìn giữ giá trị của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng nêu trên và không để tái diễn những vụ việc tương tự” – luật sư Cường nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.