"Gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng: Lãnh đạo nào chịu trách nhiệm?

Thành An Thứ hai, ngày 07/10/2019 10:49 AM (GMT+7)
Liên quan đến tòa nhà xây không phép tại con đèo nổi tiếng Mã Pì Lèng (H.Mèo Vạc, Hà Giang), như Báo Dân Việt đã đăng tải những ngày qua, trao đổi với PV Dân Việt nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp ở tỉnh Hà Giang.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò – ĐBQH tỉnh Hà Giang, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, nhìn nhận: Khu vực xây dựng công trình như phóng viên miêu tả (tòa nhà 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama Hostel - Restaurant – Coffee-PV) nằm cạnh hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng, đây là khu vực có hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. 

img

Tòa nhà 7 tầng xây dựng không phép trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng. (ảnh: Nguyễn Quý)

Theo Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, sự việc xảy ra nằm trên địa phận huyện Mèo Vạc nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền huyện này. Nếu công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) ảnh hưởng đến thiên nhiên, ảnh hưởng đến di sản, trái phép thì yêu cầu phải tháo dỡ. 

“Các công trình xây dựng trên địa bàn đều phải được các cấp có thẩm quyền đồng ý cấp phép phê duyệt cho xây dựng. Theo đó, các cơ quan chức năng trong tỉnh phải  kiểm tra, xem xét công trình này đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý không, có trong quy hoạch công viên địa chất không và phải đánh giá tác động ảnh hưởng… từ đó đưa ra dự kiến đề xuất hướng xử lý” – Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho hay. 

Đưa quan điểm về vụ việc này, GS.TS Nguyễn Anh Trí – ĐBQH Hà Nội cho rằng: “Đây là công trình xây dựng trái phép thì cần phải xử lý theo đúng quy định của Nhà nước. Thứ hai, tại sao một công trình sai phép như vậy tại sao chính quyền lại không biết được điều đó mà để “sự đã rồi” như thế này. Cho nên cần phải xem xét lại vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nếu có sai phạm thì phải kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật của Nhà nước”.

img

Công trình xây dựng đã phá vỡ cảnh quan di tích, danh thắng cấp quốc gia Mã Pì Lèng. (Ảnh: Nguyễn Quý).

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, cần phải xem xét trách nhiệm của cả hệ thống, từ những người trực tiếp quản lý cung đường, địa phương quản lý hoạt động xây dựng của làng bản lên đến các cấp chính quyền cao nhất. 

“Một tòa nhà xây dựng phải chuyển từng viên gạch lên để xây dựng, phải 1-2 năm mới xong và hoạt động kinh doanh đến cả năm trời mà không ai biết thì quả thực là vô lý” –  ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói.

Có thể nói, không riêng gì ở Hà Giang, những năm qua, đã có hàng loạt vụ xâm phạm di sản như ở Tràng An (Ninh Bình), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), trùng tu Chùa Trăm Gian năm 2012, Trùng tu Lăng Ngô Quyền xã Đường Lâm năm 2014…Tuy nhiên, hành vi xâm phạm trái phép đó dường như không có thiên hướng giảm, ngược lại ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại di tích, với tính chất nghiêm trọng, trắng trợn hơn...., cho thấy sự thờ ơ của các địa phương với di sản, thắng cảnh.

img

Tọa lạc tại vị trí đắc địa trên đỉnh Mã Pí Lèng, nhà nghỉ, nhà hàng Panorama như một cái gai trong mắt khách du lịch yêu phong cảnh thiên nhiên hùng tráng của cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Nguyễn Quý).

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Cái gì thuộc về di tích, di sản được Nhà nước công nhận thì bất cứ một ai đều không được xâm phạm, ai xâm phạm thì phải xử lý chứ không có phương án nào khác”. 

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, việc quản lý bảo tồn và phát triển các di tích, di sản,… các địa phương cần phải tăng cường công tác quản lý. 

“Thứ nhất, phải có giải pháp để tăng cường quản lý và cấm tuyệt đối không để cho bất cứ doanh nghiệp nào, cá nhân nào xâm phạm các di sản, di tích được Nhà nước công nhận; Thứ hai, những ai xâm phạm phải xử lý, tùy theo các mức độ để xử lý. Về mức độ xử lý, nếu phạm vi vừa thì cho địa phương xử lý còn mức độ vi phạm lớn thì các cơ quan chức năng chuyên môn như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải vào cuộc xử lý” – ông Phương nói.

img

Nhiều căn nhà xây dựng không phép xuất hiện dưới tán rừng thông tại tiểu khu 156a, lâm phần thuộc Ban quản lý rừng Lâm Viên, nằm trên địa bàn phường 10 (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng). (Ảnh: Phong Lâm).

“Vừa rồi có một số trường hợp đã vi phạm tôi đề nghị các cơ quan liên ngành vào thanh tra, xử lý. Ví dụ như đã vi phạm về xây dựng và lấn chiếm thì phải xử lý, nếu xử lý không được thì dùng đến hình thức cưỡng chế. Đối với những trường hợp đã xử lý, ngăn chặn nhưng vẫn tồn tại, sắp tới chúng ta cần lưu lý: Như hiện tại, nếu vi phạm, các cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra, xử lý ở các mức độ; với mức độ xử lý của chúng ta về mặt pháp luật nếu chưa đủ sức để răn đe thì các cơ quan chức năng phải đề nghị sửa đổi luật để xử lý nghiêm minh, chặt chẽ và hiệu quả hơn” – ông Phương nói thêm.

Đưa quan điểm liên quan đến công trình Panaroma, 7 tầng xây dựng trái phép trên khu vực Mã Pí Lèng (Hà Giang), ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc xem xét công trình này có vi phạm hay không? Đúng về Luật Xây dựng, Luật Đất đai hay không?

“Nếu tỉnh xác định là sai phạm thì căn cứ vào sai phạm thực tế đó để xử phạt. Nếu sai phạm nhưng chưa đến mức gây tổn hại đến quy mô, địa bàn, trung tâm văn hóa thì có thể xử phạt bằng biện pháp hành chính. Nhưng sai phạm ở mức cao hơn thì nếu phải đập phá thì phải đập phá, trả lại cảnh quan thiên nhiên” – ông Phương nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: Truy rõ trách nhiệm xảy ra

Về mặt quản lý, Nhà nước giao trách nhiệm cho Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong đó Bộ lại phân cho Cục Di sản cho nên hiện nay về xử lý trách nhiệm Cục Di sản phải rà soát lại tất cả các địa phương xem tỉnh nào làm sai, huyện nào làm sai để xử lý.

Nếu di sản mà đã mất hoặc bị xâm hại thì không thể lấy lại được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến truyền thống văn hóa của một dân tộc. Đồng thời, chúng ta đã có luật thì phải thực hiện đúng theo luật nên ai vi phạm quy định của luật ban hành thì phải xử lý nghiêm minh, truy trách nhiệm đến cùng,… vì việc xâm phạm Di sản, di tích văn hóa là rất nghiêm trọng.

Những di sản, di tích văn hóa là nền tảng văn hóa của một đất nước dù có sửa chữa, trùng tu lại cũng ảnh hưởng ít nhiều nên trên cơ sở phải bảo vệ, duy tu và phát triển một cách cẩn thận, không được xâm phạm, làm biến dạng di sản cũng như di tích.

Nếu nhận thấy thể chế, quản lý, khai thác, bảo tồn chưa rõ ràng, chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp,… thì Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần vào cuộc ngay, làm rõ quy định cụ thể về các sai phạm liên quan đến di sản để bổ sung vào Nghị định, vào Luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem