“Gai bê tông” trên đỉnh Mã Pí Lèng: Vết thương của đá

Đình Việt Thứ bảy, ngày 05/10/2019 13:58 PM (GMT+7)
“60 năm sau, người ta xây “dinh cơ” 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng mà chính quyền nói không biết. Họ đã gây ra những vết thương cho đá và cả niềm tin của đồng bào” – nhà báo Hoàng Trường Giang viết.
Bình luận 0

Báo điện tử Dân Việt ngày 1/10 đã đăng bài viết "Hà Giang: Ai cho phép cắm "gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng?" phản ánh việc tòa nhà 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama Hostel - Restaurant - Coffee xây dựng trái phép kiên cố ngay hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng, làm  cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng.

Loạt bài sau khi đăng tải đã gây được hiệu ứng xã hội rất lớn, nhận được rất nhiều ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến cho rằng phải nhanh chóng đập bỏ công trình, trả lại nguyên trạng cho đỉnh Mã Pí Lèng.

img

Công trình xây dựng tại vị trí đắc địa, phá vỡ cảnh quan di tích, danh thắng cấp quốc gia Mã Pì Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, nhà báo Hoàng Trường Giang – Báo Quân đội Nhân dân đã đăng tải bài viết thể hiện quan điểm về vấn đề này. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết.

Dốc Pắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn. Đấy là câu truyền miệng hàng trăm năm của đồng bào Mông vùng cao nguyên đá Hà Giang trước khi có đường giao thông lên tới Mèo Vạc, trước khi cách mạng về xua tan màn đêm tăm tối của thuốc phiện, bạc trắng hoa xòe, của nỗi thống khổ cực cùng trong nhà các bang tá, tù trưởng.

Tháng 10/1959, Bác Hồ cho khởi công làm đường Hạnh Phúc lên cao nguyên đá. Tháng 12/1959, nhiều toán phỉ đã chiếm các cổng trời Cán Tỷ, Mã Pí Lèng, Quản Bạ để ngăn không cho làm đường.

Bọn phỉ cướp cửa hàng lương thực Lũng Phìn (trung tâm huyện Đồng Văn), sát hại cán bộ đem rán mỡ để răn đe cách mạng (chai mỡ người hiện vẫn còn lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử Hà Giang).

Câu chuyện bi tráng của một thời oanh liệt xẻ núi đá, ngăn vực sâu làm đường của đồng bào Hà Giang và thanh niên xung phong 8 tỉnh Cao-Bắc-Lạng và Thái-Hà-Tuyên và Hải Hưng, Nam Định sẽ còn được kể mãi.

Hàng vạn lượt người, trong 9 năm ròng từ năm 1959 đến năm 1967 đã tay búa tay choòng phá đá một cách thủ công nhất, trong thời gian hơn 2 triệu ngày công để mở đường lên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà tự thuở hồng hoang đến năm 1965 chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ.

Riêng đoạn qua đèo Mã Pí Lèng, lực lượng dân công và thanh niên xung phong đã phải mất 11 tháng “treo mình trên đá” để đục thành đường. Ngày ấy huyện Đồng Văn rộng hơn cả tỉnh Bắc Kạn, bao gồm cả Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc.

Nhiều người còn nói rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, con trâu đực đẻ con thì Việt Minh mới làm được đường lên cao nguyên đá.

Năm 1964, đường Hạnh Phúc thông tới Đồng Văn, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông đã lên cắt băng khánh thành con đường trong niềm vui vỡ hòa của hàng vạn đồng bào. 2 năm sau, con đường được làm tiếp tới Mèo Vạc…

60 năm sau, người ta xây “dinh cơ” 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng mà chính quyền nói không biết.

Họ đã gây ra những vết thương cho đá và cả niềm tin của đồng bào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem