Tại sao trước chiến sự, nhà Lý phải gửi thư cho nhà Tống bằng đường biển, bấy giờ nước ta có bao nhiêu quân?

Thứ bảy, ngày 18/03/2023 05:02 AM (GMT+7)
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trước sự khiêu khích và chuẩn bị xâm lược của nhà Tống, triều đình Đại Việt đã ráo riết chuẩn bị nhiều biện pháp để đề phòng. Khi đó, vua Lý Nhân Tông còn nhỏ, trọng trách điều hành đất nước do Ỷ Lan Linh Nhân hoàng thái hậu và Thái úy Lý Thường Kiệt nắm giữ.
Bình luận 0
Lý Thường Kiệt tuy là người tài danh bậc nhất đương thời và cũng là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất, nhưng tài năng xuất chúng ấy của ông lại thiên về quân sự, không phải là người kiệt xuất về kinh tế.

Trong lúc này, tình hình ở biên cương phía Bắc ngày một nghiêm trọng. Quan lại của nhà Tống hết sức dùng tiền bạc, lời lẽ dụ dỗ các tù trưởng ở biên giới phía Đại Việt theo Tống. 

Năm 1073, Tù trưởng châu Ân Tình (thuộc Bắc Kạn ngày nay) tên là Nùng Thiện Mỹ nghe lời dụ dỗ của Tri châu Thẩm Khởi nước Tống, đem 6.000 người theo Tống.

Thẩm Khởi lại chiêu dụ cả Tù trưởng Lưu Kỷ ở châu Quảng Nguyên, một người nắm giữ quân lực mạnh và đóng giữ vị trí trọng yếu. 

Trong năm 1073, Lưu Kỷ suýt nữa đã theo hàng nước Tống nhưng vua Tống Thần Tông không dám nhận.

Lý do là bởi vì Tống tuy muốn đánh nước ta nhưng vẫn chưa chuẩn bị được lực lượng, lại vướng phải những rắc rối ở biên thùy phía Bắc với nước Liêu, chiến tranh Tống - Thổ Phồn vẫn chưa dứt.

Vua Tống biết Lưu Kỷ là viên quan sát của Đại Việt ở biên thùy, đóng giữ vị trí trọng yếu. Nhận Lưu Kỷ chẳng khác nào tuyên chiến với Đại Việt. 

Vì do Thẩm Khởi hành động quá lộ liễu nên bị vua Tống bãi chức. Lưu Di lên thay làm Kinh lược sứ Quảng Tây. Vua Tống che mắt Đại Việt bằng việc cách chức vị viên quan hiếu chiến nhưng lại thay thế bằng một viên quan hiếu chiến khác.

Vì sao trước chiến sự, nhà Lý phải gửi thư cho nhà Tống bằng đường biển, bấy giờ nước ta có bao nhiêu quân? - Ảnh 2.

Minh họa: S.H

Năm 1073, nhà Lý khi đó chưa thể nhận diện rõ dã tâm xâm lược của nhà Tống. Triều đình Đại Việt vẫn gửi thư từ ngoại giao phàn nàn về việc cắt đứt thông thương đến vua Tống, nhưng các quan chức biên giới Tống không thèm chuyển thư. 

Lưu Di vẫn làm những việc đóng thuyền chiến, trưng thu thuyền buôn vào thủy quân, cấm dân 2 nước buôn bán. Từ năm 1073-1075, đã có nhiều tin tức và đồn đoán về việc nước Tống có ý định tấn công Đại Việt. Nhất là việc các thành trì phía Nam của nước Tống tích cực mộ binh và huấn luyện. 

Khi đó, có người Tống là Tư Bá Trường vì tư lợi mà ngầm viết thư cho vua Lý Nhân Tông tố giác ý định xâm lược, xui quân Đại Việt đánh trước và xin làm nội ứng. Những việc đó đã làm cho phía Đại Việt càng cảm nhận rõ hơn về chiến tranh đang đến gần.

Đại Việt cho tăng cường quân đội ở gần biên giới để đề phòng. Đầu năm 1075, triều đình Đại Việt sai người vượt biển đưa thư cho vua Tống (vì các quan lại biên giới trên bộ không chuyển thư nên phải đi vòng đường biển để đưa thư) đòi trả bọn Nùng Thiện Mỹ và những người phản Việt theo Tống, vua Tống không trả lời. 

Phía ta lại tiếp tục gửi một số thư từ nữa nhưng đã bị Lưu Di giấu thư không thèm chuyển đi. Không những thế, y lại còn ra sức dụ dỗ dân chúng vùng biên giới. Bằng những việc làm như vậy của nhà Tống cùng với các tin tức thám báo, phía Đại Việt đã không còn nghi ngờ gì nữa về âm mưu xâm lược của nước Tống.

Nhận biết rõ ý đồ của nước Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt đã tâu lên triều đình: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Lời tâu của ông nhận được sự tán thành của vua và các triều thần. Năm 1075, ngay sau khi đi tuần biên giới phía Nam chống quân Chiêm Thành trở về, Lý Thường Kiệt chuẩn bị ngay cuộc Bắc chinh. 

Lý Thường Kiệt lĩnh chức Đại nguyên soái, thống lĩnh quân đội chuẩn bị một cuộc tấn công phủ đầu quy mô lớn đánh vào nội địa nước Tống.

Vào thời bấy giờ, tổng quân số thường trực nước Tống khoảng 100 vạn, còn quân đội thường trực nước Đại Việt chỉ khoảng 7 vạn. Trong thế bị dồn vào chân tường, quân đội Đại Việt thời Lý đã làm một việc mà đa phần người Tống khó có thể ngờ được: Một đất nước nhỏ bé dám chủ động tấn công một đế chế đông dân, có lãnh thổ lớn hơn gấp hàng chục lần và quân đội thường trực cũng đông hơn mười mấy lần.

Lời bàn:

“Tiên phát chế nhân” là một kế sách trong “Tam thập lục kế”, nghĩa là “Ra tay trước chế phục người”. Và trong cuộc chiến tranh chống Tống xâm lược (1075-1077), thực hiện tư tưởng quân sự và áp dụng binh pháp “tiên phát chế nhân”, quân và dân Đại Việt, mà người đứng đầu ba quân tướng sĩ là Lý Thường Kiệt đã chủ động tiến công trước để triệt phá cơ sở chuẩn bị, làm giảm thiểu sức mạnh, ý chí và hành động xâm lược của quân địch, tạo tiền đề cho việc giành thắng lợi trong chiến tranh. 

Với việc dùng chính binh pháp của Trung Hoa để cầm quân tập kích bất ngờ nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã làm được điều mà người Tống ngày ấy không ai nghĩ rằng kế sách của tiền nhân họ lại đập vào lưng hậu thế của mình. 

Đây là một điển hình về trí sáng tạo, là tư tưởng chiến lược rất táo bạo nhưng đúng đắn, tạo sự bất ngờ và phù hợp với điều kiện nước ta lúc bấy giờ. Bởi lẽ, nếu biết được âm mưu của nhà Tống mà ta chỉ bí mật chuẩn bị để đợi giặc đến thì khó có thể chủ động đánh bại được kẻ thù và nếu có giành thắng lợi cũng sẽ chịu nhiều tổn thất. 

Vì vậy, chủ động tiến công đánh bại ý chí xâm lược của địch ngay trên đất nước của chúng để bảo vệ giang sơn, xã tắc, gây bất ngờ, hoảng loạn đối với địch là nét độc đáo trong lịch sử dân tộc.

N.D (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem