Gặp Đại biểu 3 lần giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 13/06/2017 19:30 PM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (ngày 13.6), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) có đến 3 lần tranh luận lại Bộ trưởng. Bên hàng lang Quốc hội, ông có chia sẻ nhanh với Dân Việt.
Bình luận 0

img

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. (Ảnh: Đàm Duy)

Thưa ông, ông có nhận xét gì về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường?

- Tôi thấy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã rất cố gắng, mặc dù ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng chưa phải lâu, nhưng nắm bắt tình hình, thực trạng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân chắc. Tuy nhiên, những vấn đề mà ĐBQH cũng như cá nhân tôi đặt ra nếu như chỉ dừng lại ở sự cố gắng mà không có giải pháp, không đề ra các chính sách để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Và như thế chúng ta sẽ phải tiếp tục những giải pháp mang tính tình thế để xử lý những vấn đề bức xúc, chẳng hạn như "giải cứu" dưa hấu, hành tím, thịt lợn... như thời gian vừa qua.

Không giống như các ĐBQH khác là đặt câu hỏi, ông đã chọn việc giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng, tại sao thưa ông?

- Thực ra tranh luận của tôi cũng chính là câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng. Tuy nhiên ở góc độ tranh luận, tôi cũng như cử tri sẽ được nghe Bộ trưởng, các ĐBQH tranh luận lại để nhìn thấy vấn đề nhiều chiều hơn. Từ đó cũng làm toát lên suy nghĩ của ĐBQH và Bộ trưởng, có những vấn đề còn ý kiến khác, chưa có sự đồng thuận.

Tranh luận của ĐB cũng là kênh để phản biện lại những chính sách, các chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng để làm rõ thêm vấn đề cử tri quan tâm, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, cũng như xây dựng pháp luật tốt hơn.

Ông có đến 3 lần tranh luận lại với Bộ trưởng, ông có hài lòng với tranh luận lại người đứng đầu ngành nông nghiệp không?

- Thực tế là chưa thực sự hài lòng, bởi vì quỹ thời gian quá hạn hẹp cho nên khi đưa ra vấn đề tranh luận đã không thể đi tới cùng để xử lý nội dung mà ĐBQH cũng như cử tri quan tâm. Chính Bộ trưởng cũng nói không có thời gian để lý giải một cách đầy đủ nhất. Tôi nghĩ, với mức độ trả lời như Bộ trưởng cũng có thể chấp nhận được.

Tranh luận là cách thức giúp cho vấn đề được đánh giá nhiều chiều, giúp hoạt động của Quốc hội sôi nổi hơn, các ĐBQH nên tranh luận nhiều hơn tại cả các phiên chất vấn cũng như thảo luận, thưa ông?

- Nhiệm vụ của Quốc hội là xây dựng pháp luật, giám sát việc thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu như chúng ta có cơ hội tranh luận thì một chính sách, một quy định đưa ra sẽ được đánh giá nhiều chiều, đó cũng là cơ sở tốt nhất để Quốc hội thể ý chí, nguyện vọng của người dân, để đưa những chính sách vào cuộc sống. Tôi nghĩ cần phải tiếp tục phát huy việc tranh luận, tuy nhiên cũng phải đề ra quy ước trong tranh luận để đảm bảo vấn đề tranh luận được tập trung, thống nhất, tránh việc đi lệch ra vấn đề tranh luận.

"Tôi nghe Bộ trưởng giải thích và trả lời đại biểu Sơn về các căn cứ để lập quy hoạch phát triển đàn lợn thấy chưa thuyết phục. Xuyên suốt các câu trả lời liên quan đến việc quy hoạch giải cứu đàn lợn, tôi thấy vắng bóng vai trò quản lý nhà nước ở đây. Chúng ta cho rằng người sản xuất tự phát, tôi nghĩ cách trả lời thế này chưa thấy được vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Giả sử quy hoạch lập vào thời điểm đó có căn cứ, có tiêu chí và phù hợp với giai đoạn đấy, nhưng trong cơ chế thị trường có thể có thay đổi thì vai trò quản lý nhà nước dự báo, định hướng, điều chỉnh, quy hoạch như thế nào? Việc cảnh báo cho sản xuất, có chính sách phù hợp để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm này, tôi thấy vắng bóng".

Trích tranh luận của ĐB Nguyễn Thanh Hồng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem