Gặp nghệ nhân chuyên đẽo tượng nhà mồ

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 08:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên), hỏi Ma Thoan ai cũng biết, bởi ông không lúc nào vắng mặt mỗi khi trong các buôn làng có tổ chức lễ bỏ mả cho người đã qua đời. Bà con mời ông vì tài nghệ đẽo tượng nhà mồ.
Bình luận 0

Lễ bỏ mả của đồng bào Ê Đê mà không có tượng những con người, những con thú rừng... đẽo bằng gỗ để trang trí chung quanh nhà mồ, thì thật vô nghĩa. Đây là phong tục tập quán lâu đời của người Ê Đê. Hầu như gia đình nào ở đây tổ chức lễ bỏ mả cho người khuất núi đều rước Ma Thoan đến để giúp cho việc hệ trọng này.

img
Nghệ nhân Ma Thoan.

Ma Thoan có tên đầy đủ là Ra H’Lan Y Rin, năm nay 65 tuổi, là nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ Ê Đê tài hoa, hiện ở buôn Lé B, xã Krông Pa. Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Krông Pa. Ma Thoan tâm sự: “Hồi mới 12 tuổi, tôi đã học đẽo tượng nhà mồ, do Oi Rí ở buôn Lé và Oi Sanh ở buôn Thu truyền nghề. Gần một mùa lúa rẫy, tôi mới đẽo được tượng hình người phụ nữ giã gạo và đẽo trang trí các trụ nhà mồ (K Lau). Trang trí chung quanh nhà mồ thường có những tượng khỉ, voi, chim, người phụ nữ địu con sau lưng... đẽo bằng gỗ dầu, gỗ hương; còn đẽo trụ nhà mồ thì bằng cây BLang. Dụng cụ đẽo tượng nhà mồ chỉ có rựa và rìu. Thời gian làm nhà mồ có khi 1 năm mới xong, vất vả lắm nhưng cũng đầy thú vị”.

Già làng Oi Nhít (buôn Lé B) cho biết: “Ở xã này hiện chỉ có Ma Thoan làm tượng nhà mồ là thành thạo nhất. Lớp trẻ thì có Y Thanh, Y Reo, do Ma Thoan chỉ dạy. Ma Thoan còn giúp cho bà con buôn làng thực hiện lễ nghi đã là phong tục tập quán xa xưa của đồng bào Ê Đê, Chăm H’ Roi, J Rai, Ba Na...”.

Ma Thoan đã gìn giữ một dòng văn hóa mỹ thuật đẽo tượng trang trí nhà mồ mang đậm tính đặc thù khá nguyên bản, đa hình, đa sắc, thể hiện ở nét điêu khắc tài hoa trên tượng nhà mồ. Những hình tượng người múa trống, phụ nữ địu con, tượng người già, tượng động vật, ché rượu cần... dưới bàn tay Ma Thoan hiện lên hết sức sống động, gần gũi nhưng không kém phần bí ẩn, trầm mặc.

Ông La Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa, nói: “Ma Thoan rất tâm huyết với nghề đẽo tượng trang trí nhà mồ, đã đóng góp một phần quan trọng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem