Ghé thăm ngôi làng cổ sản sinh nhiều danh nhân bậc nhất ở Thủ đô
Ghé thăm ngôi làng cổ sản sinh nhiều danh nhân bậc nhất ở Thủ đô
Duy Huy
Chủ nhật, ngày 01/01/2023 14:35 PM (GMT+7)
Có một ngôi làng cổ nổi danh đất kinh kỳ không chỉ bởi lịch sử lập làng lâu đời mà còn là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân cho đất nước, đó là làng Phú Thụy hay còn gọi là làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội.
Video làng Phú Thụy, ngôi làng sản sinh ra nhiều danh nhân đất kinh kỳ. Thực hiện: Duy Huy.
Chốn tổ của nhiều bậc tiên hiền
Làng Sủi là vùng đất cổ, nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi, là giao điểm của nhiều con đường từ Thăng Long - Hà Nội đi về phía Bắc và Đông Bắc. Làng có sông Thiên Đức chảy qua mà nơi đây xưa kia là con đường thủy từ kinh đô, ngược phía Bắc lên Yên Tử, sang Đông đến Côn Sơn - Kiếp Bạc, về Nam đến Thiên Trường.
Với vị trí địa lý như thế, làng Phú Thụy sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - hành chính của cả vùng và đặc biệt là vùng đất sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc, xứng đáng với cái tên xưa "Thổ Lỗi", "Siêu Loại". Tên Phú Thị xuất hiện sớm nhất trong lời văn của tấm bia lập năm 1589, đây cũng là tấm bia cổ nhất trong 17 bia hiện đang lưu giữ tại nhà bia của làng.
Khoảng 5 năm đầu niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1745), làng Sủi bị giặc giã nhiều lần quấy nhiễu, nhưng nhờ phòng thủ tốt đã đẩy lùi được các đợt tấn công của giặc. Do vậy, năm 1746, chúa Trịnh đã ban cho làng ba chữ "Trung Nghĩa Lý" (làng Trung Nghĩa). Từ đó làng Sủi còn được gọi là làng Trung Nghĩa. Tấm bia dựng trước cửa đình còn lưu giữ sử sách cho đến ngày nay.
Người dân làng Sủi tự hào vì làng mình không chỉ là quê hương Nguyên phi Ỷ Lan, của Cao Bá Quát, mà còn là làng khoa bảng, làng Trung Hiếu. Thế kỷ 18, Phú Thụy có 10 vị tiến sĩ được ghi bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (1 trong 21 làng của cả nước có 10 tiến sĩ trở lên).
Trong đó, họ Nguyễn Huy có 5 vị. Làng Sủi còn tự hào vì là làng duy nhất có 4 vị Thượng thư cùng triều (đồng triều tứ Thượng thư) trong thời gian 1735 - 1740. Trong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự có câu "Chung linh đất Sủi ai bì. Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển linh".
Cụm di tích lưu giữ "danh thơm" làng Sủi
Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Ban quản lý di tích đình - đền- chùa làng Phú Thụy cho hay, người làng Phú Thụy luôn tự hào về 10 vị Tiến sĩ được khắc bia ở Văn Miếu, cùng với đó là các danh nhân nổi tiếng như Nguyên Phi Ỷ Lan Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Lượng… Ngoài ra, họ còn tự hào khi có khu di tích lịch sử Đình - Đền - Chùa được xếp hạng cấp quốc gia nơi lưu giữ bao thăng trầm, giá trị lịch sử lớn lao của ngôi làng "Trung nghĩa".
Đình làng Phú Thụy thờ tướng quân Đào Liên Hoa, người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Ngôi đình cổ đã được trùng tu nhiều lần. Năm 1927 đình được đại tu và giữ nguyên hiện trạng cho tới ngày nay.
Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan ở Sủi có tượng rất đặc biệt không đâu có: tượng Bà Ỷ Lan ngồi khoan thai và có vương miện Phật bà Quan âm trên đầu. Trong sân đền còn có giếng cổ, tương truyền khi bà Ỷ Lan về cầu tự đã tắm nước giếng này.
Cùng với đình và đền, chùa Sủi là nơi lưu giữ được 73 pho tượng cổ, có niên đại tạo tác từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Chùa Sủi còn có tên là Đại Dương tự, đời Lý Thánh Tông, Nguyên phi Ỷ Lan đã về đây làm lễ cầu tự và sinh được Thái tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông, do đó bà đã cho xây dựng lại ngôi chùa này gọi là Đại Dương Sùng Phúc tự.
Trong chùa hiện còn nhiều tượng phật mang giá trị thẩm mỹ cao và đậm chất dân gian, mang vẻ đẹp dung dị và tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam trong giai đoạn nền nghệ thuật dân gian phát triển cực thịnh của thế kỷ 17, 18 với phong cách thời Lê, Nguyễn như tượng A Di Đà, tượng Sư tổ Đạt Ma, bộ tượng Tam Thế Phật bằng gỗ phủ sơn, cao 1,2m và các tượng Bồ tát: Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền...
Năm 2005, toàn bộ khu di tích được trùng tu. Đến năm 2009, nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát được xây dựng tạo nên một cụm di tích khang trang xứng tầm với những giá trị lịch sử của vùng đất này.
Bên cạnh đó, làng Phú Thụy còn lưu giữ được những tấm bia cổ phản ánh rất nhiều mặt của đời sống làng kinh tế, xã hội, tôn giáo, các khía cạnh lịch sử của xã hội phong kiến Việt Nam. Hiện tại Nhà bia có 14 tấm, trước cửa đình còn 2 tấm và sau chùa còn một tấm.
Tại khu di tích đình - đền - chùa có 17 tấm bia. Đây là nguồn di văn Hán Nôm rất quý giá. Ngoài giá trị trang trí nghệ thuật, các bia còn chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý, góp phần tìm hiểu nhiều mặt về văn hóa, xã hội, lịch sử, làng Phú Thị và đất nước qua từng giai đoạn lịch sử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.