Giá cà phê giảm: Nhiều "đại gia" xúm tay cùng nông dân gỡ khó

Phụng Anh Thứ sáu, ngày 05/04/2019 10:51 AM (GMT+7)
Những năm gần đây năng suất và chất lượng cà phê sụt giảm khiến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức người nông dân bỏ ra. Giải pháp tái canh cà phê được đưa ra với sự tham gia của nhiều bên...
Bình luận 0

Tái canh nhiều trở ngại

Qua thời gian sinh trưởng, tỉ lệ cây cà phê ở Việt Nam (chủ yếu là ở Tây Nguyên) ngày càng già cỗi. Theo thống kê từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), bên cạnh diện tích khoảng 30% cà phê già cỗi (trên 20 năm, nhiều diện tích chỉ cho năng suất khoảng 1,5 tấn/ha), vẫn còn trên 40.000ha cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém.

Bên cạnh đó, 93% diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu vẫn là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém, khó thích ứng với những diễn biến khắc nghiệt thời tiết và dịch bệnh.

img

Theo các chuyên gia, sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm mỗi năm khoảng 300.000 tấn trong 5-10 năm tới theo kế hoạch tái canh của Bộ NNPTNT. Ảnh:  Phụng Anh

“Chính những lý do này đã, đang và ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến năng suất thu hoạch của người trồng cà phê. Việc thực hiện tái canh cũng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do người nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức về kỹ thuật tái canh, phòng trừ sâu bệnh lẫn khả năng tiếp cận nguồn vốn. Người dân chần chừ trong việc tái canh còn vì phải mất đến 3-4 năm không có thu hoạch từ cây cà phê, do đó đời sống người nông dân khó khăn do không có thu nhập nào khác” - chuyên gia cà phê Huỳnh Quốc Thích - nguyên Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk, nhận định.

Từ năm 2017, cùng với Vinacafe Biên Hòa, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã ký kết chương trình “Hỗ trợ Phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột”, thực hiện trong 5 năm và ngân sách mà 2 công ty cam kết hỗ trợ cho chương trình trong giai đoạn đầu là 1 tỷ đồng.

Hai công ty cùng Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk và Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã tiến hành các bước khảo sát, đánh giá, xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng theo chuỗi và năng suất cao tại xã EaTu, TP.Buôn Ma Thuột.

Ông Võ Văn Phu - Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Hai năm qua, chúng tôi đã tập hợp được các hộ đang canh tác nhỏ lẻ thành một vùng canh tác tập trung, để nâng cao năng suất cà phê ở 6 thôn và 6 buôn tại xã EaTu.

“Hiện nay, do Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, nên với các mô hình trong chương trình, Bình Điền sẽ hướng vào mục tiêu là canh tác bền vững, sử dụng quy trình bón giảm lượng phân hóa học, gia tăng phân hữu cơ và các giải pháp kỹ thuật canh tác tối ưu nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho người sản xuất trong việc nâng cao chuỗi giá trị cà phê mang thương hiệu Buôn Mê Thuột– cà phê Việt Nam” - ông Phu nói.

Tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới, theo Bộ NNPTNT vào khoảng 140.000 - 160.000ha. Ngoài Bình Điền, còn có các doanh nghiệp như Nestle, Bayer, Jacobs Douwe Egberts… cũng tham gia các chương trình hỗ trợ, hợp tác công - tư tái canh vườn cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên.

Doanh nghiệp cùng gỡ khó

Chị Hruih Eban ở buôn Ko Tam, xã EaTu đã tham gia 5.000m2 vườn trồng cà phê (với 500 gốc) làm mô hình mẫu trong chương trình hỗ trợ tái canh cây cà phê của Bình Điền, Vinacafé Biên Hòa và Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Chị cho biết, thông qua chương trình chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông cũng như cây giống, phân bón hỗ trợ 100% từ Bình Điền, tốc độ cây phát triển nhanh hơn. Trước trồng 4 năm mới thu hoạch, giờ chỉ còn 3 năm, lại bớt công lao động nhờ hệ thống tưới, bón phân tự động, tiết kiệm nước tưới.

“Có hệ thống tưới nhỏ giọt này, chúng tôi mừng lắm vì mùa khô ở đây hạn hán, thiếu nước tưới trầm trọng. Mà đầu tư hệ thống này đâu có rẻ, 60 triệu đồng cho 1ha, chưa tính các chi phí phân bón, cây giống và 3 - 4 năm đầu không có thu nhập do cây chưa trưởng thành, chưa có thu hoạch. Đây cũng là lý do chúng tôi muốn tái canh vườn cà phê nhà mình lắm, nhưng bao năm qua có làm được đâu” - chị Hruih Eban giải thích.

Tương tự, dự án Nescafe Plan cũng là chương trình hợp tác công - tư giữa Công ty Nestlé Việt Nam, Bộ NNPTNT, Viện Nghiên cứu và các cơ quan khuyến nông địa phương tại 5 tỉnh Tây Nguyên, được thực hiện từ năm 2011 đến nay. Theo đó, dự án đã góp phần cải tạo 20.000ha cà phê già cỗi, phân phối hơn 27 triệu cây giống cho nông dân; tập huấn và đào tạo cho hơn 200.000 nông dân về canh tác bền vững; giúp hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, nâng cao chất lượng và sản lượng cà phê, tăng 30% thu nhập cho người nông dân.

Ông Ngô Nhân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk cho biết, khi tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tái canh, trung tâm cũng hướng dẫn bà con trồng xen sầu riêng, bơ để có thu nhập trong khi chờ cây cà phê trưởng thành và đạt thêm mục đích tăng giá trị sử dụng, hạn chế sâu bệnh cho vườn. Trung tâm đã tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 300 hộ trong tỉnh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem