Giá cà phê ngày 7/9: Chưa hết nỗi lo khan hàng, giá cà phê nhích lên
Giá cà phê ngày 7/9: Chưa hết nỗi lo khan hàng, giá cà phê nhích lên
Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 07/09/2023 11:43 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 7/9: Giá hai mặt hàng cà phê tăng nhẹ lần lượt 0,23% với Arabica và 0,12% với Robusta. Tồn kho cà phê trên Sở ICE ở mức thấp, khiến thị trường chưa thể thoát khỏi nỗi lo thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu, khan hàng trong ngắn hạn. Trong nước, giá cà phê hôm nay nhích nhẹ trở lại...
Giá hai mặt hàng cà phê tăng nhẹ lần lượt 0,23% với Arabica và 0,12% với Robusta (kỳ hạn tháng 11/2023 và 12/2023). Tồn kho cà phê trên Sở ICE ở mức thấp, khiến thị trường chưa thể thoát khỏi nỗi lo thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu trong ngắn hạn.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 3 USD, lên 2.456 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn giao sau đều sụt giảm. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm thêm 7 USD, xuống 2.360 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2024 cũng giảm thêm 7 USD, còn 2.306 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York duy trì xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 0,35 cent, lên 153,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng thêm 0,45 cent, lên 154,80 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đang ở mức tồn kho thấp nhất từng được ghi nhận kể từ giữa tháng 11/2022.
Thực tế, giá cà phê Robusta kỳ hạn đảo chiều tăng hồi phục lúc cuối phiên do thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Sau khi bất ngờ đảo chiều tăng từ 33.630 tấn lên 35.010 tấn trong phiên 3/9, tổng lượng cà phê Robusta tại các kho lưu trữ của đơn vị này có sự điều chỉnh nhẹ trong phiên 4/9 về 34.990 tấn. Điều này cho thấy sự chưa chắc chắn trong khả năng hồi phục nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu.
Sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ cũng điều chỉnh tăng nhẹ 100 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 65.300 - 66.300 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 65.300 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 65.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê Robusta tiếp nối đà giảm ngay từ đầu phiên sau báo cáo tồn kho ICE – London tăng vọt hôm đầu tuần, kết thúc chuỗi giảm kéo dài gần 3 tháng qua. Tuy nhiên, giá kỳ hạn giao ngay đã bật tăng ngay lúc cuối phiên sau báo cáo tồn kho trong ngày đã sụt giảm trở lại. Cụ thể, báo cáo của ICE – London cho thấy tồn kho ngày thứ ba, 5/9, đã giảm thêm 620 tấn, tức giảm 1,77% so với ngày trước đó, xuống đứng ở mức 34.370 tấn, tiếp tục gây mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Tin đồn Brazil xuất khẩu tháng 8 đạt tổng cộng 3,29 triệu bao cà phê các loại, trong đó có 700.000 bao Conilon Robusta cũng không giúp thị trường giảm bớt mối lo cung, trước viễn cảnh hiện tượng thời tiết El Nino được dự báo sẽ xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương.
Dự báo Indonesia đã hoàn tất thu hoạch vụ mùa của niên vụ cà phê hiện tại, từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, với sản lượng ước đạt 10,3 triệu bao, thấp hơn mức sản trung bình sản lượng 3 năm gần đây là 11,8 triệu bao, không “mất mùa thê thảm” như một số dự báo được đưa ra ngay từ đầu vụ thu hoạch.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 ước đạt khoảng 90 ngàn tấn, giảm 20,57% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà quan sát, cà phê xuất khẩu hầu như chỉ giao trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài theo phương thức không qua sàn, không ghi nhận một lượng hàng nào được giao về sàn London để tham gia bán đấu giá.
Các triệu chứng thiếu dinh dưỡng ở cây cà phê
Sự phát triển của cây cà phê phụ thuộc 1 phần vào thổ nhưỡng và phần lớn phụ thuộc vào quy trình chăm sóc của người nông dân. Cây chỉ khỏe mạnh khi được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và có một quy trình phòng bệnh hiệu quả.
Cây thiếu đạm: Cây sinh trưởng phát triển kém, cây thấp không cân xứng, ít cành, ít chồi mới, lá nhỏ, mép lá chuyển vàng trắng rồi tới vàng úa, bắt đầu từ lá già đến lá non. Thiếu đạm đầu cành bị khô, lá già sẽ rụng dần để lại cành trơ trụi, quả dễ rụng. Dư đạm: Chồi non phát triển quá mạnh, nhiều chồi mọc ngược, cành vươn dài, song rất nhỏ, yếu, đốt thưa. Bộ lá quá rậm rạp và có màu xanh tối, lá to nhưng lá mỏng, dễ rách, gãy. Chùm quả thưa, tỷ lệ đậu quả thấp, tỷ lệ rụng quả cao.
Cây thiếu lân: Thể hiện rõ ở những lá già của cành nhiều quả. Lá có màu vàng chanh dần chuyển sang hồng, nếu thiếu nặng sẽ chuyển sang màu đỏ sỉn đến nạu tím rồi chết. Sự chuyển màu ở lá bắt đầu từ đầu lá, sau lan dần toàn bộ lá. Lá non có màu xanh tối, dễ rụng lá. Thiếu lân làm rễ cà phê kém phát triển, hoá gỗ yếu, hạn chế quá trình hình thành mầm hoa.
Cây thiếu Kali: Trên lá xuất hiện các đốm hoặc sọc vàng hơi đỏ, sau chuyển thành các vệt màu nâu đen và đan dọc rìa lá, lan từ đỉnh lá xuống và sau đó bắt đầu rụng. Thiếu kali lá già rụng nhiều, quả rụng nhiều, quả nhỏ hạt lép.
Cây thiếu canxi: Chóp lá cong không đều vào phía trong.
Cây thiếu Magie: Các gân lá có nhiều gân màu xanh đen, rồi phát triển thành các vệt màu xanh ôliu lan từ giữa lá ra phía ngoài. Xuất hiện những vệt vàng song song với gân chính, sau đó loang rộng ra. Vùng giữa các gân lá chuyển từ màu ôliu sang xanh lá mạ rồi sang màu vàng và cuối cùng thành màu đồng thau, tiếp tới rụng lá.
Cây thiếu lưu huỳnh: Lá cà phê chuyển sang màu vàng nhạt, đặc biệt xuất hiện trên lá non, rìa lá bị uốn cong. Lá dòn, dễ gãy, dễ rách và lá chết từ ngoài mép vào trong lá. Các lá già bị rụng nhiều, chỉ còn các lá non có màu vàng nhạt.
Cây thiếu kẽm: Lá ngắn, nhỏ có dạng hình lưỡi dao, hệ thống gân nổi trên nền lá xanh nhạt hoặc vàng. Chùm lá trên ngọn mọc sít nhau.Các chồi phát triển chậm, không vươn ra được. Khi thiếu nhiều lá bị chết và rụng.
Cây thiếu Bo: Các chồi non bị chết, chồi toả ra như cái quạt, lá biến dạng, một bên mép lá ngắn lại làm cho lá cong queo, bản lá hẹp và dài, ngọn lá có màu xanh ôliu hoặc xanh vàng.
Cây thiếu Mangan: Cặp lá xoè ra cuối cùng chuyển từ màu vàng sang xanh nhạt, hay xanh ôliu thành màu vàng có đốm trắng.
Khi cây có những triệu chứng trên, bà con cần nhanh chóng xác định được cây đang thiếu hụt loại chất dinh dưỡng nào và có biện pháp xử lý bổ sung kịp thời. Bà con có thể sử dụng Phân bón hữu cơ sinh học để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây cà phê như: đạm hữu cơ, axit humic, NPK, Si, các khoáng chất vi lượng cần thiết cho cây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.