Giá cám cá tăng chưa từng có, giá cá trắm thịt ở Thái Bình còn có 42.000 đồng/kg, nông dân "chông chênh"

Thứ hai, ngày 25/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) hiện có 1.492ha nuôi trồng thủy sản và 120 lồng cá trên sông. Thời điểm này, giá thức ăn tăng cao, trong khi giá các loại thủy sản giảm mạnh, các chủ ao, đầm, lồng bè tại địa phương gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển đàn thủy sản.
Bình luận 0

Với 1,7 mẫu ao, gia đình ông Trần Văn Quỳnh, thôn Nội, xã Minh Khai kết hợp nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm, mè, trôi, rô phi đơn tính...

Ông Quỳnh cho biết: Mấy năm trước, giá thức ăn cho cá và giá cá thương phẩm xuất ra thị trường tương đối ổn định, gia đình ông thường quay vòng liên tục 2 lứa/năm, thu hoạch 5 - 6 tấn cá/năm, trừ chi phí sản xuất thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. 

Giá cám cá tăng chưa từng có, giá cá trắm thịt ở Thái Bình còn có 42.000 đồng/kg, nông dân "chông chênh" - Ảnh 1.

Gia đình ông Trần Văn Quỳnh, xã Minh Khai (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) giảm quy mô nuôi cá do giá thức ăn tăng, giá cá thương phẩm giảm.

Giá thức ăn cho cá liên tục tăng, từ 330.000 đồng/bao/25kg năm 2020 đến nay là 420.000 đồng/bao/25kg; trong khi đó giá bán của hầu hết các loại cá thương phẩm hiện nay đều giảm 20 - 30% so với trước. 

Để hạn chế thiệt hại, gia đình ông Quỳnh buộc phải giảm quy mô sản xuất, mỗi năm chỉ nuôi 1 lứa cá, giảm mật độ nuôi thả, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay cho thức ăn chuyên dùng của cá. Ước tính năm 2022, gia đình ông Quỳnh sẽ thu được khoảng 2 tấn cá, thu lãi 20 triệu đồng/năm cho 2 lao động thường xuyên.

Gia đình anh Đỗ Duy Đông, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa có gần 2ha ao bán nổi, nuôi cá thịt truyền thống. 

Anh Đông chia sẻ: Giá cá trắm thương phẩm (từ 3 - 6kg/con) trước kia có giá 52.000 đồng/kg, năm ngoái giảm xuống còn 45.000 đồng/kg, hiện nay có giá 40.000 - 42.000 đồng/kg. Cá trôi (từ 1,5 - 2kg/con) trước kia đạt 35.000 đồng/kg, năm ngoái giảm xuống 24.000 đồng/kg, hiện nay 16.000 - 18.000 đồng/kg. Cá rô phi đơn tính (từ 1 - 2kg/con) giảm từ 40.000 đồng/kg (năm 2021) hiện nay 34.000 - 35.000 đồng/kg. 

Giá của hầu hết các loại cá khác đều giảm tương tự, nguyên nhân do nguồn cung dồi dào nhưng sức tiêu thụ của thị trường hạn chế, tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương hoặc nội địa, chưa có xuất khẩu; khâu chế biến để nâng cao giá trị thủy sản còn yếu. 

Theo tính toán của anh Đông, nếu chủ ao, đầm có kỹ thuật tốt, bảo đảm sản lượng, năng suất ổn định, trước kia bà con có thể thu lãi 15.000 - 20.000 đồng/kg cá xuất ra thị trường. Tuy nhiên, với việc giá thức ăn tăng, giá cá giảm, hiện nay nông dân chỉ thu lãi được khoảng 5.000 đồng/kg cá, thậm chí không có lãi hoặc thua lỗ nếu phát sinh nhiều chi phí sản xuất khác. 

Giá cám cá tăng chưa từng có, giá cá trắm thịt ở Thái Bình còn có 42.000 đồng/kg, nông dân "chông chênh" - Ảnh 3.

Giá thức ăn tăng, giá cá giảm gây nhiều khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản.

Mấy năm trước, gia đình anh Đông thu hoạch bình quân 15 tấn cá/năm, có lãi 150 - 300 triệu đồng, năm nay dự kiến sản lượng chỉ đạt 50%, thu lãi 30% so với trước.

Giá cá thương phẩm giảm kéo theo các loại cá giống cũng xuống giá. Bà Phạm Thị Liễu, chủ hộ chuyên ương cá giống, thôn 7, xã Vũ Đoài cho biết, giá bán của hầu hết các loại cá giống như cá trắm, cá chép, chép vàng... đều giảm 20 - 30%, sản lượng tiêu thụ cũng ít hơn, do bà con thu hẹp quy mô nuôi thả. Trước tình huống giá cám tăng, giá cá hạ, gia đình bà Liễu chuyển sang nấu cám ngô, cám gạo, kết hợp rau xanh, cỏ nghiền cho cá ăn thay vì sử dụng cám công nghiệp, vất vả và hiệu quả thấp hơn so với trước.

Huyện Vũ Thư hiện có 1.492ha nuôi trồng thủy sản, hầu hết các hộ nuôi thả các loại cá truyền thống, sản lượng bình quân đạt 5 - 6 tấn/ha/năm và 120 lồng cá trên sông sản lượng cá trung bình đạt 7,9 tấn/lồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Như, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho biết: Hiện nay, xu hướng phát triển thủy sản tại huyện có sự chuyển dịch từ nuôi thả nhỏ lẻ, truyền thống sang các mô hình tích tụ ruộng đất, ao đầm lớn, đầu tư hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sử dụng thức ăn công nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản. 

Do đó, giá thức ăn tăng cao cùng thời điểm với giá cá thương phẩm giảm mạnh sẽ gây thiệt hại lớn, giảm hiệu quả sản xuất nuôi trồng thủy sản. 

Ngoài ra, giá thủy sản giảm còn ảnh hưởng đến tâm lý của bà con, hầu hết các hộ thu hẹp quy mô nuôi trồng, tạm dừng đầu tư vốn phát triển thủy sản nhằm hạn chế rủi ro. Tôi cho rằng cần có sự liên kết của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước để ổn định giá vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra để người nuôi cá yên tâm, ổn định sản xuất.

Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem