Giá đất nền vùng ven Hà Nội "nổi sóng" cuối năm

Trần Kháng Thứ tư, ngày 16/12/2020 14:48 PM (GMT+7)
Khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội nóng trở lại. Cùng với đó, hiện tượng đầu cơ, sốt ảo, đẩy giá đất nền tăng chóng mặt.
Bình luận 0

Giá đất "dựng ngược" theo tuần

Thời điểm cuối năm, thị trường đất nền khu vực ven Hà Nội tiếp tục trở thành điểm nóng, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nền phân lô tại các địa phương lân cận khu CNC Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất), Phú Mãn (Quốc Oai) đã bị đẩy lên mức khá cao.

Giá đất nền vùng ven Hà Nội "nổi sóng" cuối năm - Ảnh 1.

Các "dự án" đất nền Hòa Lạc hiện chủ yếu là theo kiểu tự phân lô đất nông thôn.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tiết lộ, không chỉ đất nền dự án tại các trục đường lớn tăng giá mà thậm chí, đất đai trong làng, trong xã ở những khu vực như Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, làng cổ cũng tăng giá mạnh.

Tại nhiều địa phương, chỉ tuần trước so với tuần sau giá đất nền đã tăng gấp 2 – 3 lần. Trong khi đó, đây đều là đất không có giấy tờ, pháp lý đầy đủ.

Hay như thời gian trước, sau khi Hà Nội công bố quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, ngay lập tức, giá đất tại các làng, xã quanh khu vực này đã tăng mạnh. Đất vườn, ruộng vốn chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 đã tăng lên 2 triệu đồng/m2.

Tại Hoài Đức, giá đất thổ cư những khu vực thuộc An Khánh, An Thượng, Vân Canh cũng tăng bất thường. Giá đất ở các khu vực đường lớn, rộng khoảng 9-10m có giá từ 80 triệu đồng/m2. Đất ở các ngõ xe ô tô vào được có giá khoảng 50 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư "khát" sản phẩm sinh lời

Trước hiện tượng giá đất tăng mạnh tại các khu vực vùng ven Hà Nội, ông Đính cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường hiện rất lớn.

Nhà đầu tư đang "khát" các sản phẩm sinh lời. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản trên thị trường lại khan hiếm. Họ phải tìm đến cả các sản phẩm đất nền vùng ven, trong các làng xã để đầu tư khiến giá đất tại đây tăng mạnh.

"Đây là hiện tượng bất bình thường trên thị trường bất động sản do thiếu nguồn cung", ông Đính nói.

Giá đất nền vùng ven Hà Nội "nổi sóng" cuối năm - Ảnh 3.

Đất nền Hòa Lạc ven khu CNC tiếp tục nóng lên từng ngày.

Số lượng dự án ít khiến thị trường bất động sản khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, nguồn cầu của các nhà đầu tư, người mua ở thực vẫn tăng mạnh. Năm 2019, tính bình quân tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đạt 70%, nhiều dự án ra hàng có thanh khoản đạt trên 90%.

Ông Đính cho rằng, chính sự khan hiếm nguồn cung này đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm những sản phẩm đầu tư mới. Họ không để dòng tiền ngồi yên mà luôn luôn tìm các kênh đầu tư sinh lợi.

Trong đó, bên cạnh các kênh đầu tư chính thống, nhiều nhà đầu tư cũng đổ tiền vào các kênh không chính thống như đầu cơ đất nền, lướt sóng, đợi giá tăng cao, sốt ảo để kiếm lợi.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, có hai hình thức sinh lợi từ bất động sản là tăng giá vốn và khai thác kinh doanh để sinh ra dòng tiền. Tuy nhiên, năm 2020 vừa qua, hoạt động khai thác kinh doanh không hiệu quả do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế suy giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào đất để hy vọng có thể sinh lời nhanh.

Cùng với đó là sự thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo, tăng giá đất không kiểm soát gây nhiều hệ lụy cho thị trường và rủi ro cho các nhà đầu tư.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến đến hết quý III/2020, thị trường bất động sản chỉ có gần 80.000 sản phẩm được chào bán trên thị trường. Trong đó, 70% là lượng hàng tồn từ các năm trước chuyển sang năm 2020. Nguồn cung mới trong ba quý đầu năm chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm lần đầu chào bán. So với năm 2019, con số này rất khiêm tốn, chỉ đạt trên 35%, so với năm 2018, chỉ đạt 20%.

Bên cạnh yếu tố dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động đầu tư, mở bán bị ảnh hưởng, nguyên nhân chính khiến các dự án trên thị trường chậm lại là do vướng mắc pháp lý.

Tại TP.HCM trong năm 2019, chỉ có hai dự án được cấp chủ trương đầu tư mới; 30 dự án đã có chủ trương, có cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng đã kiểm tra đủ điều kiện để cho hàng ra thị trường. Tại Hà Nội chỉ có 25 dự án được cấp phép.

Đáng chú ý, không chỉ tại Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác có thị trường bất động sản đang phát triển cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các tỉnh ít dự án, cũng có 20 - 30 dự án bị thanh tra, dừng lại, các tỉnh nhiều có tới 50 - 60 dự án phải dừng lại, thanh tra, kiểm tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem