Trong ngôi nhà sàn dựng cột bằng bê tông, lợp mái lá cọ ở làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) râm ran tiếng cười. Thấy có khách tới thăm, ông Bùi Văn Khánh (53 tuổi) là bố đẻ của hai anh em Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng niềm nở đón chúng tôi vào nhà.
“Chúng tôi không thể ngờ là sự thật”
Rất đông người thân họ hàng, làng xóm nhà ông Khánh cũng đang có mặt ở đây. Họ đang bàn luận xôn xao về thành tích của đội bóng U23 Việt Nam đã giành vé vào đá trận bán kết của giải U23 châu Á 2018.
Ngôi nhà của bố, mẹ hai cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Bùi tiến Dụng ở làng Bào, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức
Anh Bùi Văn Nguyệt (41 tuổi) là chú ruột của hai anh em Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng nói với chúng tôi trong niềm hân hoan: “Thật là tuyệt vời! Đội bóng U23 của chúng ta đã ngẩng cao đầu để sẵn sàng bước vào đá trận bán kết sắp tới. Đêm qua, cả gia đình chúng tôi và bà con làng Bào không ai ngủ vì quá vui sướng và tự hào khi đội bóng Việt Nam lần đầu tiền trong lịch sử đã giành vé vào đá trận bán kết giải châu Á. Chúng tôi không thể ngờ đó là sự thật”.
Bà cụ Phạm Thị Giáp (75 tuổi- ngồi giữa) là bà nội của anh em Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng cũng không giấu được niềm vui. Ảnh: Hồng Đức
Nói về hai con trai của mình, ông Bùi Văn Khánh cho hay: Hai anh em Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng cách nhau 1 tuổi. (Dũng sinh năm 1997 còn Dụng ra đời năm 1998- PV). Khi còn nhỏ, hai anh em Dũng và Dụng đã thể hiện được tố chất yêu thích bóng đá. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên vợ chồng ông không đủ tiền để cho con học cao hơn, mà đành phải gửi các con vào Công ty TNHH đào tạo bóng đá trẻ Thanh Tuấn ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) để Dũng và Dụng được học môn thể thao yêu thích của mình và học văn hóa.
“Lúc còn nhỏ, hai anh em chúng ham bóng đá vô cùng. Gia đình tôi có cái tủ ly, nhưng tôi đã phải thay kính không biết bao nhiêu lần vì anh em chúng đá bóng bằng quả bưởi xanh làm vỡ kính. Thấy các con ham mê môn bóng đá quá nên chú Nguyệt (Bùi Văn Nguyệt là em trai ông Khánh - PV) bàn với vợ chồng tôi cho hai đứa theo học môn thể thao này. Thế nhưng, năm 2009, khi chú Nguyệt xin cho Dũng vào Công ty TNHH đào tạo bóng đá trẻ Thanh Tuấn để học thì Dụng cũng đòi đi. Vì lúc bấy giờ Dụng đang ít tuổi quá nên phải đợi tới 2010, cháu mới được vào công ty để học. Tuy nhiên, khi cả hai đứa vào học ở công ty một thời gian thì gia đình phải rút cháu Dụng ra vì không đủ tiền đóng góp. Sau đó, chú Nguyệt bàn với gia đình xin cho cháu vào Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF ở TP.Hồ Chí Minh. Còn cháu Dũng thì được chú Thanh Tuấn – Giám đốc công ty TNHH đào tạo bóng đá trẻ Thanh Tuấn gửi về FLC Thanh Hóa thử việc. Tôi cũng thật không ngờ, anh em chúng nó xuất thân từ “bóng đá làng” mà lại phát triển nhanh và được đội tuyển quốc gia gọi về. Và bây giờ hai anh em chúng nó đã góp một phần công sức nhỏ nhoi vào sự thành công của đội tuyển nước nhà”- ông Khánh bộc bạch.
Sẽ thịt nhím nếu thắng trận bán kết
Ngồi chung vui với mọi người, bà cụ Phạm Thị Giáp (75 tuổi) là bà nội của anh em Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng kể về hai đứa cháu của mình: “Lúc nhỏ, anh em chúng ham đá bóng lắm lắm. Chúng cứ rủ nhau lấy lá chuối khô và dây rừng bện thành quả bóng rồi đá suốt ngày. Nhà có cây bưởi đậu được vài quả, hai đứa cứ ra hái bưởi vào làm bóng để đá. Bà già rồi, có biết bóng đá ra làm sao đâu, nhưng mỗi khi xem ti vi mà thấy hai đứa cháu của mình ở trên đó là bà lại khóc. Bà khóc vì thương khi thấy cháu của bà bị ngã ở trên sân bóng. Tối qua, thấy mọi người trong nhà, trong làng hò reo mừng vui vì hai cháu nội của bà và vì đội bóng nên bà cũng vui mà không ngủ được”.
Anh em Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng và chị gái lúc còn nhỏ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Anh Bùi Văn Nguyệt là chú ruột của Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng quả quyết với chúng tôi. “Ngày 23.1 tới đội tuyển Việt Nam ta vào đá trận bán kết. Nếu trận này thắng, tôi sẽ làm thịt hai con nhím to để mời anh em họ hàng, làng xóm cùng ăn mừng chiến thắng. Còn tối qua, gia đình tôi cũng có làm mấy mâm cơm để mời mọi người đến xem trận bóng, nhưng khi trận bóng diễn ra chẳng ai ăn được miếng nào vì trận cầu quá căng thẳng. Khi kết thúc trận và đội tuyển chúng ta giành chiến thắng, tất cả mọi người lại càng không ăn được cơm vì quá vui sướng”.
Ông Bùi Văn Khánh- bố đẻ của hai cầu thủ khoe quả bóng do Bùi Tiến Dũng đưa về làm kỷ niệm sau giải U20 World Cup vừa qua. Ảnh: Hồng Đức.
Cũng theo anh Nguyệt, thành công của anh em Tiến Dũng, Tiến Dụng được như ngày hôm nay ngoài công lớn của các HLV đội bóng thì hai cầu thủ này xuất phát từ truyền thống yêu bóng đá của gia đình. Bởi lẽ, ông Bùi Văn Khánh trước kia cũng là đội trưởng của đội bóng đá làng Bào (xã Phúc Thịnh). Còn anh Nguyệt hiện nay cũng đang là đội trưởng đội bóng đá của làng Bào. “Có lẽ, tố chất yêu thể thao của hai đứa cháu tôi cũng xuất phát từ truyền thống của cha và chú ruột của chúng. Không những thế, riêng làng Bào chúng tôi hiện nay ngoài cháu Tiến Dũng ra thì đang có 3 cháu nữa cũng đang ở đội tuyển FLC Thanh Hóa. Còn cháu Tiến Dụng hiện đang đầu quân cho câu lạc bộ SHB Đà Nẵng” – anh Nguyệt hào hứng cho biết.
Sau khi chia sẻ niềm vui vô bờ bến, ông Khánh lại tiếp tục chăm lo cho đàn lợn của gia đình mình ở quê.
Ảnh: Hồng Đức
Trước lúc chia tay, anh Nguyệt mời chúng tôi bằng những lời chân thành, mộc mạc: “Chiều ngày 23.1 tới, gia đình chúng tôi chân thành mời anh em lên nhà tham gia cổ vũ cho trận đá bán kết của U23 Việt Nam và hai cháu Tiến Dũng, Tiến Dụng nhà tôi”.
Xin cầu chúc cho đội tuyển U23 Việt Nam và các chàng trai của đội tuyển kiên cường, chiến thắng. Hàng chục triệu người hâm mộ Việt đang ở bên cạnh các bạn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.