Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chính thức vượt mốc 600 USD/tấn vào ngày 4/8/2023.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 4/8 đã chạm mốc 618 USD/tấn, giá gạo 25% tấm là 598 USD/tấn; trong khi trước đó một ngày (ngày 3/8), giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 598 USD/tấn, giá gạo 25% tấm là 578 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá lúa hè thu cũng tăng từng ngày. Khảo sát của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang cho thấy, giá lúa IR 50404 đạt 6.800 - 7.100 đồng/kg, lúa OM18 đạt 7.000 - 7.200 đồng/kg, lúa OM 5451 đạt 7.000 - 7.300 đồng/kg.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,7% về lượng và tăng gần 30% về trị giá). Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022, cao nhất trong 11 năm qua.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677.400 tấn) tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492.800 tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022).
Trước cơ hội xuất khẩu gạo lớn chưa từng có của Việt Nam, trong một cuộc khảo sát được thực hiện trên diễn đàn rất lớn về lúa gạo trên mạng xã hội, đa phần các doanh nghiệp đều đồng tình với quan điểm: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng cần có công cụ điều tiết thị trường để tránh đầu cơ.
Những yếu tố có thể tác động đến xuất khẩu gạo các tháng cuối năm
Về những yếu tố ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu gạo các tháng cuối năm, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo công bố ngày 14/7/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo thế giới năm 2023/2024 được dự báo đạt mức 520,8 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm 2023/2024 dự kiết đạt mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2022, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm trước.
Trong khi đó, lượng gạo tồn kho năm 2023/2024 được USDA dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, biến đổi khí hậu thay đổi điều kiện gieo trồng… sẽ làm suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao.
Do đó, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa.
Chẳng hạn tại Thái Lan, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết lệnh cấm của Ấn Độ cần được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa và có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động.
Ở Ấn Độ, nhiều thương nhân nước này cho biết họ có thông tin về việc Ấn Độ đã xem xét về lệnh cấm và cho rằng lệnh sẽ được ban hành vào khoảng tháng 8 – 9/2023 nên vẫn tiến hành ký kết hợp đồng, nhận thư tín dụng (LC) để đảm bảo thanh toán như thường lệ.
Tuy nhiên, lệnh cấm diễn ra quá đột ngột và chỉ cho phép hàng hóa đã vào cảng được chuyển đi, ngoài ra các hợp đồng dù có LC vẫn phải hủy bỏ. Vì vậy, tuy trước lệnh cấm, nước này có thể xuất khẩu 500.000 tấn gạo phi basmati/tháng thì trong tháng 7/2023, chỉ 200.000 tấn hàng tại cảng được phép xuất khẩu.
Còn tại Campuchia, Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia cho biết giá gạo của các giống IR và OM đang đạt mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) cho biết giá gạo IR hiện ở mức 1.047 riel/kg (6.000 đồng/kg), trong khi gạo OM có giá 1.029 riel/kg (5.900 đồng/kg). Loại gạo thơm sen kra'op (SKO) đắt tiền hơn đã có giá tương đối ổn định trong ba năm qua, trung bình từ 1.000 đến 1.260 riel/kg (7.233 đồng/kg).
Với các nhà nhập khẩu gạo, Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh, chuyển đơn hàng nhập khẩu các nước xuất khẩu gạo khác, đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này.
Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết các thương nhân hiện đang xem xét thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam.
Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.
Hay như Indonesia, nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung từ cả nội địa và nhập khẩu sẽ khiến giá gạo tăng cao. Sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nhập khẩu gạo kiềm chế lạm phát và tồn kho.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.