Giá khám chữa bệnh giảm 10-20% từ tháng 7

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 19/05/2018 06:29 AM (GMT+7)
Tin từ Bộ Y tế, từ tháng 7.2018, giá của khoảng 40 dịch vụ khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán sẽ được điều chỉnh giảm, riêng tiền giường bệnh hồi sức cấp cứu sẽ tăng.
Bình luận 0

Giá nội soi, siêu âm giảm mạnh

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong vài tháng nay, Bộ Y tế phối hợp với nhiều ban ngành liên quan đã rà soát lại giá nhiều dịch vụ y tế và xây dựng lại giá theo tiêu chí tính đúng, tính đủ, theo giá thị trường và thực tế sử dụng.

Dự kiến trước mắt, vào tháng 7.2018 sẽ có 40 dịch vụ y tế bao gồm: Giá ngày giường điều trị, các dịch vụ cận lâm sàng, X-quang, chụp cộng hưởng từ, nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp cắt lớp... được điều chỉnh giá. Trong khi đó, giá khám chữa bệnh sẽ giảm từ 10 - 20% tùy theo hạng của bệnh viện (BV).

img

Giá giường ở BV hạng 3-4 giảm nhưng giá giường hồi sức ở BV hạng đặc biệt lại tăng (ảnh minh họa). Ảnh: D.L

Một số dịch vụ cận lâm sàng như siêu âm giảm từ 49.000 đồng xuống 39.500 đồng/lần, chụp X-quang số hóa 1 phim giảm từ 69.000 đồng xuống 62.900 đồng/lần; chụp CT Scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang giảm từ 536.000 đồng xuống còn 520.900 đồng/lần; giá dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm.

Đặc biệt, dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm mạnh từ hơn 2 triệu xuống chỉ còn chưa đến 600.000 đồng, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu xuống còn 1,6 triệu đồng và phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu xuống còn gần 2,9 triệu đồng...

Đối với các các BV hạng 3-4, giá giường bệnh sẽ giảm nhẹ như giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại BV hạng 4 giảm từ 226.000 xuống 215.000 đồng. Tuy nhiên, do chi phí giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc có chi phí cao hơn so với mức giá hiện nay nên sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể tại BV hạng đặc biệt, giá đang ở mức 677.100 đồng sẽ tăng lên 751.000 đồng. Còn tại BV hạng 1, giá cũng tăng gần 80.000 đồng, lên mức 710.000.

Theo ông Nam Liên, nguyên nhân việc điều chỉnh giá là do mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012-2015 với nhiều chi phí đầu vào được tính như điện nước, vật tư y tế… Trong khoảng thời gian 3-6 năm, giá điện, nước và nhiều vật tư hóa chất khác đã tăng giá. Do vậy, giá nhiều dịch vụ y tế đã không còn phù hợp. 

Nhiều dịch vụ chi phí không hợp lý

Những chi phí nào cao, chưa hợp lý phải điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, một số dịch vụ tôi lại thấy thấp hơn chi phí thực tế thì nên điều chỉnh tăng. Ví dụ dịch vụ thông tiểu, 1 ống thông tiểu có giá từ 30.000-40.000 đồng nhưng giá dịch vụ lại chỉ hơn 10.000 đồng. Như vậy là vô lý, cần phải điều chỉnh tăng giá dịch vụ này lên”.

Ông Vũ Xuân Bằng

Theo ông Nam Liên, hiện giá dịch vụ y tế đã tính cả chi phí tiền lương. Tuy nhiên, giá đang được tính theo mức lương cơ sở cũ (1.150.000 đồng/tháng), trong khi mức lương cơ sở hiện tại đã là 1.300.000 đồng và sẽ tăng lên 1.390.000 đồng/tháng vào tháng 7 tới. Do đó, trong thời gian tới, giá viện phí cũng sẽ được tiếp tục được điều chỉnh. Để thuận lợi hơn cho việc xây dựng, thanh toán giá viện phí, Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng rút gọn danh mục dịch vụ y tế từ 18.000 dịch vụ xuống còn khoảng 3.000-4.000 nhóm dịch vụ.

Theo ông Liên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ giúp người bệnh có thể được hưởng các dịch vụ y tế theo quy chuẩn của Bộ với giá thành hợp lý. Đồng thời, người bệnh sẽ không phải chi trả bên ngoài các khoản vật tư, hóa chất khi dịch vụ đã được tính đủ. Ngoài ra, viện phí đã được BHYT chi trả từ 80-95%, do đó, dù viện phí tăng nhưng phần đồng chi trả của người bệnh (5-20%) cũng không tăng nhiều, không lo ảnh hưởng tới đời sống của người dân. 

img

Trước đó, ông Vũ Xuân Bằng – Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhận định: “Nếu như trước đây, tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú trung bình toàn quốc chỉ 5-6%, nay đã lên đến 8,6%. Và đáng đặt dấu hỏi với những tỉnh có tỷ lệ lên đến 15-17%. Thực tế đang có tình trạng bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chỉ cần điều trị ngoại trú nhưng BV vẫn đưa vào nằm nội trú để thu tiền giường”.

Theo ông Bằng, trước đây, viện phí “nặng” nhất là tiền thuốc, vật tư y tế chiếm 50-60%, thì nay chỉ còn co nhỏ lại 30-40%. Trong khi đó, chi phí tiền giường lại lên đến 40-60%.

"Nếu như vậy thì quyền lợi của bệnh nhân sẽ bị co hẹp lại. Bộ Y tế cần tính toán lại chi phí tiền giường cho hợp lý. Không thể một phòng 4 bệnh nhân, thu tới 1,8 triệu đồng/đêm, cao hơn nhiều so với tiền khách sạn 3-4 sao. Hơn nữa, cơ cấu tính giá giường có cả chi phí điều hòa, máy hút ẩm, quạt điện 4 mùa như nhau nhưng mùa đông có dùng điều hòa, quạt đâu, sao vẫn giữa nguyên giá” - ông Bằng phân tích thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem