Gia Lai: Báu vật của ngôi làng Jrai này là thứ gì mà trẻ mới 6 tuổi, già ngoài 70 vẫn đam mê?

Trần Hiền Chủ nhật, ngày 10/10/2021 06:15 AM (GMT+7)
Đó là làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), ngôi làng Jrai ngày đêm miệt mài duy trì sức sống cồng chiêng. Người nhỏ nhất tham gia đội cồng chiêng của làng chỉ mới 6 tuổi và người lớn tuổi nhất năm nay đã ngoài 70.
Bình luận 0

Clip: Những tiết mục biểu diễn đánh cồng chiêng của Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh tại các lễ hội tại trong tỉnh Gia Lai trước khi xảy ra dịch bệnh

Cồng chiêng là loại nhạc cụ biểu diễn nghệ thuật gắn liền với lịch sử, văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Dân làng Pleiku Roh ngày đêm miệt mài với cồng chiêng

Gọi là ngôi làng Jrai bởi 100% người dân trong làng đều người dân tộc Jrai. Trước quá trình đô thị hóa, nhiều làng Jrai ở TP. Pleiku đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống. Ấy vậy mà, ngôi làng Pleiku Roh giữa phố núi Pleiku vẫn miệt mài tổ chức các hoạt động duy trì sức sống cồng chiêng.

Theo đó, làng Pleiku Roh có 2 đội cồng chiêng. Trước đây, chỉ có 1 đội cồng chiêng người già. Đến năm 2008, nghệ nhân trẻ Siu Thưm - Đội trưởng Đội cồng chiêng Pleiku Roh đã truyền ngọn lửa đam mê với nghệ thuật cồng chiêng đến những đứa trẻ tại làng. Theo đó, anh Siu Thưm đã mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho thanh niên và trẻ em vào mỗi buổi tối. Cũng từ đó, ở làng Pleiku Roh có thêm đội cồng chiêng nhí.

Ngôi làng Jrai ở Gia Lai ngày đêm duy trì sức sống cồng chiêng - Ảnh 2.

Làng Pleiku Roh, là một trong những ngôi làng Jrai còn duy trì những giá trị văn hóa truyền thống như đánh cồng chiêng, đánh đàn Tơ Rưng

Đội cồng chiêng nhí có 17 thành viên gồm các em từ 6 đến 16 tuổi thường xuyên đại diện TP. Pleiku tham gia các lễ hội, cuộc thi, liên hoan lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, đội cồng chiêng này còn là đội chủ lực trong chương trình giao lưu, biểu diễn cồng chiêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hàng tháng. 

Các bài chiêng quen của các em như: Mừng lúa mới, Đâm trâu, Mừng chiến thắng... được phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, do vậy đội chiêng của làng Pleiku Roh luôn khiến nhiều người dân và du khách thích thú theo dõi.

Ngôi làng Jrai ở Gia Lai ngày đêm duy trì sức sống cồng chiêng - Ảnh 3.

Thành viên nhỏ nhất Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh chỉ mới 6 tuổi, thành viên lớn nhất đã ngoài 70

Trò chuyện với chúng tôi, anh Siu Thưm - Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh tâm sự: "Trước đây làng chỉ có 1 đội cồng chiêng là người già. Thời điểm này mình lại thấy hầu hết các bạn nhỏ chỉ quan tâm tới mạng xã hội, những bản nhạc hiện đại cùng các văn hóa ngoại lai, không mặn mà tới cồng chiêng. Từ đó, mình đã hạ quyết tâm sẽ đưa công chiêng đến gần hơn với các bạn nhỏ...".

Anh Thưm kể tiếp: "Năm 2008, mình đã mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho thanh niên và trẻ em vào mỗi buổi tối. Ban đầu các bạn nhỏ cũng chưa thực sự chú ý, nhưng khi bắt đầu đến với các cuộc thi, đi biểu diễn tại các lễ hội mới bắt đầu chú tâm rồi hăng say luyện tập hơn".

Ngôi làng Jrai ở Gia Lai ngày đêm duy trì sức sống cồng chiêng - Ảnh 4.

Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh đã từng biểu diễn tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai 2018

Cũng theo anh Thưm, từng là những đứa trẻ chỉ thích những văn hóa ngoại lai cùng các bản nhạc hiện đại. Giờ đây đã trở thành những thanh niên có tình yêu mãnh liệt với cồng chiêng. Mỗi lần chuẩn bị biểu diễn, ai cũng háo hức tập luyện, người lớn hơn chỉ dạy cho người nhỏ hơn. Nhờ vậy mà ai cũng thành thạo.

Hai bộ chiêng quý được xem như tính mạng của ngôi làng

Trước khi dịch bệnh xảy ra Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh đã biểu diễn ở các lễ hội lớn như: Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai 2018, Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, lễ hội cỏ hồng gắn với ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc, hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô gắn với liên hoan văn hóa cồng chiêng…

Ngôi làng Jrai ở Gia Lai ngày đêm duy trì sức sống cồng chiêng - Ảnh 5.

Đây là bộ chiêng quý của người dân làng Pleiku Roh, bộ chiêng Đội Cồng chiêng làng Pleiku Roh thường xuyên đem đi biểu diễn tại các lễ hội trong và ngoài tỉnh Gia Lai

Không chỉ tham gia biểu diễn cồng chiêng ở các lễ hội thuộc phạm vi trên địa bàn tỉnh nhà, Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh còn tham gia biểu diễn ở các tỉnh thành khác như Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Lăk, Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế…

Được biết, hiện làng Pleiku Roh có lưu giữ 2 bộ chiêng quý (khoảng 47 cái). Trong đó có một bộ chiêng truyền thống và một bộ chiêng cải tiến. Hiện 2 bộ chiêng này có giá khoảng trên 200 triệu đồng. Ngày 26/7 vừa qua, 2 tên trộm đã lẻn vào Nhà nguyện giáo họ Pleiku Roh lấy trộm 2 bộ chiêng. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Công an TP.Pleiku phá án thành công trao trả 2 bộ chiêng về với dân làng Pleiku Roh.

Ngôi làng Jrai ở Gia Lai ngày đêm duy trì sức sống cồng chiêng - Ảnh 6.

Công an TP.Pleiku trao trả 2 bộ chiêng quý về với dân làng Pleiku Roh

Sau khi được trao trả lại 2 bộ chiêng quý, bà con giáo dân trên địa bàn đã gửi thư cảm ơn Giám đốc Công an tỉnh và các đơn vị tham gia phá án. 

Trong thư, ông Puih Thin thay mặt bà con giáo dân thuộc Giáo họ Pleiku Roh viết: "Phát hiện mất 2 bộ cồng chiêng cổ, mấy ngày liền tôi không muốn ăn uống, cảm thấy có lỗi với bà con. Nếu không có cồng chiêng chúng tôi không thể làm lễ được. 

Với bà con giáo dân, 2 bộ cồng chiêng là tài sản vô giá. Khi biết tin cơ quan công an khám phá thành công vụ án và nhận lại được tài sản quý, bà con giáo dân rất mừng".

Ngôi làng Jrai ở Gia Lai ngày đêm duy trì sức sống cồng chiêng - Ảnh 7.

Không chỉ truyền ngọn lửa đam mê với nghệ thuật cồng chiêng đến những đứa trẻ tại làng, anh Siu Thưm - Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh còn hướng dẫn các em tập đánh đàn Tơ Rưng

Tỉnh Gia Lai là địa phương đang lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo kết quả kiểm kê, tại tỉnh Gia Lai còn lưu giữ hơn 5.600 bộ cồng chiêng, trong đó có hơn 930 bộ chiêng quý hiếm. 

Hàng năm, ngành văn hóa của hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con dân tộc thiểu số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem