Giá lợn hơi lao dốc không phanh, người chăn nuôi Nam Định tính chuyện “giải nghệ”
Giá lợn hơi lao dốc không phanh, người chăn nuôi Nam Định tính chuyện “giải nghệ”
Đ. Lực - M. Chiến
Thứ tư, ngày 22/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm sâu khiến cho người chăn nuôi ở tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn. Đa số các trang trại phải giảm đàn để chăn nuôi cầm cự.
Theo các chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Nam Định, từ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, giá lợn hơi luôn biến động, liên tục giảm. Họ mất ăn, mất ngủ; đứng ngồi không yên khi giá lợn hơi có chiều hướng lao dốc và chưa có điểm dừng.
Gia đình ông Lê Văn Cần (xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã có nhiều năm gắn bó với chăn nuôi lợn. Hằng năm, trang trại của gia đình ông luôn duy trì hơn 600 con; trong đó 100 con lợn bố mẹ, còn lại là lợn thương phẩm và lợn con theo mẹ.
Theo ông Cần, vài năm trở lại đây, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bất cứ lúc nào, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, trong khi đó giá lợn hơi xuất chuồng không ổn định, liên tục giảm khiến gia đình ông thấp thỏm, lo âu.
Với quy mô hơn 600 con, gia đình ông Cần chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín, áp dụng an toàn sinh học, do đó chí phí chăn nuôi cũng tăng cao hơn so với chăn nuôi chuồng hở, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, giá lợn hơi xuống thấp, dao động từ 45.000 - 48.000 đồng/kg nên gia đình ông phải giảm đàn và chăn nuôi cầm cự.
"Chăn nuôi lợn giai đoạn hiện nay chán lắm, nếu không cẩn thận nhiều người sẽ mất định hướng trong chăn nuôi", Nông dân xuất sắc năm 2022 Lê Văn Cần ngao ngán.
Ông Cần tâm sự, trang trại của gia đình nhà ông chuyên cung cấp lợn giống và lợn thương phẩm. Từ khi giá lợn hơi xuống thấp, người dân chán nản, không muốn nuôi lợn nên trang trại phải cắt giảm 50% đàn bố mẹ, hạn chế sản xuất con giống. Ngoài ra, lợn thương phẩm cũng giảm đàn dần dần.
Theo tính toán của ông Cần, nếu giá lợn hơi cứ duy trì dưới 50.000 đồng/kg, thì trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông chắc chắn sẽ lỗ. May chăng, tiền bán lợn đủ trả chi phí tiền điện, tiền cám; còn người chăn nuôi không có công.
"Trung bình, mỗi ngày trang trại tiêu tốn hết 15 triệu tiền cám, hơn 8 triệu tiền điện. Chi phí đầu vào rất cao nên hiện nay trang trại gặp nhiều khó khăn, chăn nuôi không có lãi", ông Cần nói.
Ông Cần cho biết thêm, người chăn nuôi ở Nam Định đang chịu thiệt hại "kép". Do đó, giá lợn xuất chuồng phải ổn định từ 63.000 - 65.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, ổn định cuộc sống.
"Nếu tình trạng giá lợn hơi thấp kéo dài, không có dấu hiệu tăng lên thì chắc chắn thời gian tới, gia đình tiếp tục giảm đàn, thậm chí đến cuối năm sẽ giải nghệ", ông Cần thổ lộ.
Nông dân xuất sắc năm 2022 Lê Văn Cần mong muốn Nhà nước, các Bộ, ngành… cần có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, giảm giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn để người chăn nuôi sớm vực dậy sau chuỗi ngày "đen tối".
Ông Nguyễn Văn Tiệp (xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) chia sẻ, hiện tại giá lợn xuất chuồng đang dao động từ 45.000 - 47.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay thì gia đình nhà ông lỗ nặng, bởi giá thành sản xuất cao chót vót, mà giá bán quá bèo bọt.
Theo ông Tiệp, trước Tết Nguyên đán Quý Mão, giá lợn hơi xuất chuồng duy trì ổn định trên 53.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán lao dốc, làm cho người chăn nuôi đứng ngồi không yên.
"Hiện tại, gia đình đã giảm quy đàn nuôi xuống còn 100 con để chăn nuôi cầm cự", ông Tiệp nói, rồi ngao ngán: "Lỗ nặng thế này, nuôi làm gì nhiều… Chán chẳng nuốn nuôi nữa".
Ông Tiệp tâm sự, nếu tình trạng giá lợn hơi không có chiều hướng đi lên thì người chăn nuôi lợn chắc chắn sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Và, sẽ phải "treo" chuồng dài dài…
"Nhiều năm nay, chăn nuôi nuôi lợn liên tục gặp khó, lúc thì dịch bệnh bùng phát, lúc thì giá cám tăng đột ngột, lúc thì giá lợn hơi lao dốc… Cuối cùng, người chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những người trực tiếp nuôi lợn", ông Tiệp rầu rĩ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) có khoảng 300 con lợn đang ở trọng lượng từ 110 - 120kg/con. Thời điểm này, gia đình ông đang đau đầu số lợn nói trên; bởi bán với giá rẻ thì tiếc công chăm sóc, không có lãi, song nếu giữ lại thì chẳng biết khi nào giá tăng, tiền cám thì mỗi ngày 1 cõng lên.
Hiện nay, quy mô trang trại của gia đình ông Thọ khoảng 1.000 con; gồm lợn bố mẹ, lợn thương phẩm, lợn con theo mẹ. Thời gian tới, nếu giá lợn hơi xuất chuồng vẫn dưới 50.000 đồng/kg, gia đình ông sẽ giảm đàn nuôi để cắt giảm chi phí đầu vào.
Box: Dự ước tháng 2/2023, đàn lợn của tỉnh Nam Định là 640.490 con, giảm 0,4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 15.028 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 86kg/con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.