Giá mít Thái hôm nay 7/6: Giá mít trì trệ, rất tệ, bông mít Thái bị ốm, cách nào làm mập lên?
Giá mít Thái hôm nay 7/6: Giá mít trì trệ, dân kêu rất tệ, bông mít Thái bị ốm, cách nào làm mập lên?
Duy Khánh
Thứ ba, ngày 07/06/2022 10:31 AM (GMT+7)
Cập nhật giá mít Thái hôm nay 7/6 tại ĐBSCL cho thấy, giá mít duy trì ở mức thấp tương đương hôm qua, giá mít Thái đang ở thời kỳ trì trệ, không ngóc đầu dậy được. Bông mít Thái bị ốm có làm mập lên được không?
Giá mít Thái hôm nay 7/6: Giá mít trì trệ, nông dân trồng mít kêu rất tệ
Giá mít Thái hôm nay 7/6 quá tệ. Đây là thông tin từ các vựa và thương lái mua mít Thái ở ĐBSCL cho biết. Theo đó, giá mít Thái tại vựa từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, tại vườn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Tại Tiền Giang, mít Kem lớn chỉ từ 5.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 3.000 đồng/kg. Các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn chỉ từ 3.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000 đồng/kg.
Tại các địa phương khác ở ĐBSCL như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Long An và TP Cần Thơ, giá mít Thái hôm nay 7/6 không tăng không giảm so với hôm qua.
Một số vựa còn hoạt động ở các địa phương trên thông báo mua mít Kem lớn từ 5.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000 đồng/kg, các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Đối với mít chợ, loại 1 được mua tại vựa từ 3.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 mua tại vựa từ 2.000 đồng/kg, còn thương lái mua mít chợ loại 1 từ 2.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 từ 1.000 đồng/kg.
Bông mít Thái bị ốm có làm mập lên được không?
Do nhiều nguyên nhân, một số vườn mít Thái ở ĐBSCL xuất hiện tình trạng bông mít Thái ốm, không mập. Điều này dẫn đến tình trạng trái khi hình thành, lớn lên bị thiếu hụt dinh dưỡng, trái nhỏ hoặc méo trái.
Anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, cây mít Thái yếu hoặc cây sung sức mà ra nhiều bông cũng có tình trạng bông mít ốm. Trong số bông mít ốm cũng có những bông tốt cần giữ lại nên phải xử lý phân thuốc.
Theo ông Lâm, khi cây mít Thái vừa ra bông xong, để hạn chế bông mít ốm, thông thường ông phải phun thuốc dưỡng giúp bông mập (người dân thường gọi là kéo bông). Sau khi bông hình thành được trái đầu tiên, tiếp tục phun thêm thuốc dưỡng, thuốc giúp tăng khả năng thụ phấn, giúp trái lớn đồng đều.
"Giai đoạn cây mít Thái vừa ra bông và từ bông hình thành trái rất quan trọng, có thể quyết định trái tốt hay xấu sau này. Do đó, cần phải phun thuốc thuốc dưỡng, nhất là thuốc có chất BO" - anh Lâm nói.
Anh Lâm cũng cho biết, trong quá trình phun thuốc dưỡng bông, dưỡng trái, ông còn phun thêm thuốc trừ sâu, để hạn chế sâu giai đoạn này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.