Giá một loài thủy sản, là thế mạnh của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến từ thị trường Trung Quốc
Giá một loài thủy sản, là thế mạnh của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến từ thị trường Trung Quốc
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 03/04/2023 18:44 PM (GMT+7)
Theo nhận định từ các nhà phân tích thuộc Rabobank, giá tôm thế giới có khả năng tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 và sự phục hồi giá tôm nửa sau năm nay sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến từ thị trường Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc, động lực thúc đẩy mới của thủy sản Việt
Trong kịch bản xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023, Trung Quốc được coi là động lực thúc đẩy, sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid.
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc như một miếng bánh lớn đang bị chia sẻ bởi nhiều nước xuất khẩu, tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn.
Đối với Việt Nam, có 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ, đang chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ.
Không chỉ tôm, đối với các mặt hàng thủy hải sản khác, như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và các thương gia thủy sản từ các nước.
Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc và Hongkong đạt gần 151 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ (chủ yếu vì giảm trong tháng 1).
Từ thực tế biến động thị trường, chuyên gia của VASEP khuyến cáo, các doanh nghiệp thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.
Giá tôm thế giới phụ thuộc vào diễn biến từ thị trường Trung Quốc
Nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc có thể tăng trong những tháng đầu năm 2023 tuy nhiên Rabobank cho rằng đây là nhu cầu từ các nhà nhập khẩu, chứ không có nghĩa là nhu cầu người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng.
Tại Trung Quốc, vì giá tôm hiện đang thấp, các nhà nhập khẩu đang mua càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, niềm tin người tiêu dùng vẫn thấp mặc dù chính phủ đã nới lỏng quy định phòng dịch, người tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn miễn cưỡng ăn uống ở ngoài.
"Giá tôm thế giới có khả năng tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 và sự phục hồi giá tôm nửa sau năm nay sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến từ thị trường Trung Quốc", chuyên gia của Rabobank nhận định.
Tại thị trường Mỹ, giá tôm chân trắng không chỉ thấp, giá mặt hàng này vẫn tương đối thấp hơn so với các loại protein khác.
Tại EU, giá tôm nuôi cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, mức giảm giá bắt đầu muộn hơn ở Mỹ. Giá tại Mỹ chạm đáy vào cuối năm 2021 trong khi tại EU, giá chạm đấy cuối năm 2022.
Rabobank dự báo nguồn cung tôm chân trắng nuôi giảm trong năm 2023. Các nhà sản xuất châu Á, điển hình là Ấn Độ đang lo ngại về nhu cầu thị trường và trì hoãn thả nuôi.
Sản lượng tôm Ấn Độ trong năm 2023 dự báo giảm 13% so với năm 2022 do nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ không ổn định và chi phí nuôi tôm cao hiện tại. 90% người nuôi tại Ấn Độ có khả năng không tăng mật độ tôm nuôi trong ao. Mặc dù có sự khuyến khích của chính phủ nhưng nhiều người nuôi chỉ tập trung vào diễn biến giá và diễn biến này sẽ chi phối các quyết định của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.