Về tình hình xuất khẩu: Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong 9 tháng đầu năm, Mỹ là nước nhập khẩu tiêu nhiều nhất từ Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc không có tên trong danh sách 10 nước nhập khẩu tiêu nhiều nhất từ nước ta. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là, mặc dù khối lượng tiêu xuất khẩu tăng, song giá trị lại giảm so với cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu xuống còn 80.000 đồng/kg
Theo đó, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 9.2017 ước đạt 13.000 nghìn tấn, với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 181.00 tấn và 966 triệu USD, tăng 23% về khối lượng nhưng giảm 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2017 đạt 5.377,3 USD/tấn, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 là Mỹ, Ấn Độ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan và Đức với 39,6% thị phần.
Bảng các thị trường nhập khẩu tiêu chính từ Việt Nam.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, diễn biến giá tiêu trong ngày hôm qua 30.9, tiếp tục đi xuống, hầu hết các tỉnh giảm 1.000 đồng/kg (như bảng dưới đây). Cụ thể, tại Chư Sê (Gia Lai) lần đầu tiên xuống còn 80.000 đồng/kg trong nhiều tháng trở lại đây. Tại Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu) có giá 82.000 đồng/kg. Còn tại các địa phương của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông về chung mức giá 81.000 đồng/kg. Tại Bình Phước giá còn 80.000 đồng/kg.
Theo dự báo, giá tiêu hôm nay 1.10 vẫn tiếp tục rơi vào đà giảm giá do các giao dịch trên thị trường thế giới giảm từ cuối tuần qua. Cụ thể, mức giá cũng xoay quanh 80.000-82.000 đồng/kg, không ngoại trừ có nơi giảm xuống dưới 80.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 1.10 dự báo sẽ tiếp tục rơi vào đà giảm giá như những ngày đã qua.
Giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay được dự báo tiếp tục giảm.
Cảnh giác trước việc thương lái nước ngoài mua tiêu
Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk vừa đưa ra thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh về việc giao dịch mua bán mặt hàng hồ tiêu với thương lái nước ngoài.
Theo đó, Sở này cho biết, thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh có hiện tượng thương lái Trung Quốc đang điều khiển, “làm giá” thị trường hồ tiêu Việt Nam. Một trong những chiêu thức của thương lái nước này là thu mua lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam, sau đó, tìm đến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mặt hàng này đặt mua với bất cứ mức giá nào và yêu cầu ký hợp đồng ngay, đồng thời hối thúc DN khẩn trương thực hiện các điều kiện trong hợp đồng mua bán nhưng lại trì hoãn chuyển tiền đặt cọc với nhiều lý do khác nhau.
Trong khi các DN trong nước vì áp lực hợp đồng phải gấp rút thu gom hồ tiêu từ các đại lý để kịp giao hàng đúng thời hạn thì thương lái Trung Quốc lại tung lượng hạt tiêu đã gom trước đó bán với giá cao và thu lợi nhuận chênh lệch. Khi các DN xuất khẩu đã gom đủ hàng thì không thể liên lạc được với thương lái khiến cả DN và đại lý chịu hậu quả nặng nề.
Nhằm tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các DN trên địa bàn, đơn vị này đề nghị các DN cần thận trọng và đề cao cảnh giác với các hiện tượng mua bán bất thường từ bạn hàng Trung Quốc. Khi phát hiện có hiện tượng “làm giá” từ phía bạn hàng cần liên hệ chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý. Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.