Giá tiêu hôm nay 29.9: Dự báo khó vượt ngưỡng 80.000 đ/kg, Bộ NNPTNT "mổ xẻ" nguyên nhân giá tiêu Việt thấp

Bình Nguyên Thứ sáu, ngày 29/09/2017 04:00 AM (GMT+7)
Trong suốt thời gian từ cuối tháng 8 đến nay giá tiêu đã quay đầu về ngưỡng 80.000-83.000 đồng/kg và theo dự báo trong mấy ngày hôm nay, thậm chí cả mấy ngày tới, giá tiêu cũng khó vượt qua mốc giá trên. Hiện Bộ NNPTNT đang tiến hành nhiều gói giải pháp để hỗ trợ cho người trồng tiêu, từ đó nâng cáo vị thế và giá trị của cây tiêu Việt.
Bình luận 0

Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình đáp ứng các yêu cầu chất lượng của các nước nhập khẩu nhằm xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam. Đây là vấn đề mấu chốt nhằm đưa giá tiêu Việt Nam đạt ngưỡng ổn định, bền vững.

Cấp mã số vùng trồng

Tại hội nghị “Xây dựng thúc đẩy liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững” do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, UBND các tỉnh trồng tiêu trọng điểm cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, tổ chức liên kết sản xuất diện tích lớn theo quy trình đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình đáp ứng các yêu cầu chất lượng của các nước nhập khẩu nhằm xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam.

img

Không chỉ thất thu vì giá tiêu giảm mạnh từ tháng 8 và nhất là trong mấy ngày hôm nay, nhiều vùng trồng tiêu còn bị bệnh tàn phá (ảnh minh họa).  Ảnh: B.N

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến 15.8.2017, ngành hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu hơn 156.500 tấn, đạt kim ngạch 850,8 triệu USD. Theo kế hoạch của Bộ Công Thương năm 2017, ngành hồ tiêu đặt mục tiêu xuất khẩu 180.000 tấn, kim ngạch 1,6 tỷ USD.

“Một khi giữa doanh nghiệp và người nông dân đã chỉ ra được những diện tích, địa điểm trồng hồ tiêu theo đúng quy trình kỹ thuật đã được Bộ NNPTNT khuyến cáo, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và đạt yêu cầu thì Bộ sẽ cấp mã vùng trồng. Khi đó sẽ khẳng định được hồ tiêu sản xuất ở địa phương này, ở diện tích này sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước theo yêu cầu” - ông Doanh nói.

Theo thống kê tổng diện tích trồng hồ tiêu tại các tỉnh  là trên 126.000ha, trong đó trồng mới trên 25.000ha tập trung chủ yếu tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Năng suất và sản lượng hồ tiêu của Việt Nam luôn đứng đầu thế giới tạo được nhiều ưu thế cạnh tranh. Tây Nguyên là khu vực có diện tích và năng suất hồ tiêu cao nhất cả nước với 28,6 tạ/ha/vụ (cao nhất là Gia Lai với 41,2 tấn/ha). Nhiều vườn hồ tiêu cho năng suất rất cao, đạt 5- 7 tấn/ha/vụ, cá biệt có một số hộ đạt năng suất 10 tấn/ha/vụ.

Hiện nay, nhiều vùng trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên đã áp dụng các giải pháp từ quy hoạch vùng trồng, đào tạo thiết kế vườn, sử dụng giống cây sạch bệnh, chăm sóc đúng quy trình. Nông dân có kinh nghiệm trong thâm canh sản xuất hồ tiêu, bón phân cân đối... đã từng bước thúc đẩy hồ tiêu phát triển bền vững.

Đầu tư vùng nguyên liệu tập trung

"Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các bên tham gia liên kết sản xuất tiêu an toàn. Từng bước chuyển biến nhận thức của người dân sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới”. 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

Hiện nay, sản lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu chiếm 40% sản lượng hồ tiêu thế giới. Tuy nhiên, giá tiêu lại không tương xứng với vị thế của cây tiêu Việt. Do đó, vị thế chủ động của ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn rất vững chắc và có tác động mạnh đến Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng như Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hồ tiêu Việt Nam đặc biệt tại Đăk Nông, Đăk Lăk được người dân mở rộng ồ ạt, vượt xa so với quy hoạch kéo theo nhiều hệ lụy, giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh. Thời điểm này, giá tiêu khô dao động 70.000 – 80.000 đồng/kg, đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm trở lại đây, chỉ bằng 50% so với thời điểm cuối năm 2016.

Ngoài ra, trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại bệnh khó chữa như chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng hại rễ do canh tác không đúng yêu cầu kỹ thuật và sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng... khiến đầu ra sản phẩm bấp bênh.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Mặc dù ngành hồ tiêu Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nhưng với xu hướng thế giới chú trọng vào mục đích an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội thì ngành hồ tiêu cũng cần có chiến lược mạnh mẽ mới đủ sức giữ vững vị thế hiện nay.

Để ngành hồ tiêu phát triển mạnh hơn nữa, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam rất quan trọng. Hiệp hội phải phối hợp chặt chẽ các cơ quan như: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để rà soát, quy hoạch lại diện tích sản xuất hồ tiêu. Những diện tích trồng mới, không phù hợp thổ nhưỡng thì phía hiệp hội phối hợp cơ quan chức năng các tỉnh vận động người dân chuyển sang trồng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam điều hành các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung như Phú Quốc, Bà Rịa - Vùng Tàu, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước... Khi có vùng nguyên liệu tập trung, doanh nghiệp tiến hành đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu cho nông dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu của các thị trường như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ… Từ đó, hướng đến xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng nguyên liệu tập trung này.

Để cho ngành hồ tiêu phát triển ổn định, vững mạnh, nắm chắc thị trường hơn nữa, Bộ NNPTNT cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng tiêu bắt đầu từ tháng 1.2018. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ là hơn 30 tỷ đồng chi phí trả tiền lương cho 2 nhân sự là kế toán trưởng và cán bộ kỹ thuật trong mỗi hợp tác xã trồng tiêu. Nguồn hỗ trợ này sẽ kéo dài trong 3 năm, để các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tốt vai trò đại diện nông dân thực hiện chuyển giao công nghệ, hưởng ứng trồng tiêu sạch, tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết với doanh nghiệp, thu mua nguyên liệu tiêu của các hộ nông dân phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bên cạnh với việc đẩy mạnh đầu tư chất lượng hạt tiêu Việt Nam để cạnh tranh với các nước trên thế giới, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tiêu cũng đang có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể, vừa qua cũng có nhiều sản phẩm tiêu giá trị gia tăng cao được thị trường thế giới tiếp nhận và ưa chuộng, như tinh dầu hồ tiêu, bột tiêu trắng, bột tiêu đỏ, bột tiêu đen…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem