Đòi tăng chi phí định mức
Theo một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, chi phí định mức mà Bộ Tài chính đang áp dụng và buộc các doanh nghiệp theo là 860 đồng/lít xăng (được áp dụng từ 2010) bao gồm thù lao đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của doanh nghiệp, hao hụt… Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cộng chi li các khoản này vào thì tổng số tiền doanh nghiệp đầu mối phải chi ra cho mỗi lít xăng lớn hơn nhiều.
Cụ thể, một đại diện đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho biết chi phí định mức kinh doanh trong thực tế hiện nay phải từ 1.200 đồng. Mức chi phí này cũng trùng với một báo cáo của Hiệp hội Xăng dầu (Vinpa) gửi tới Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính vào cuối tháng 4 vừa qua. Theo tính toán của Vinpa ở thời điểm hiện tại, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức từ 1.200 đến 1.300 đồng/lít xăng dầu. Theo đó, nếu đề xuất này được chấp thuận thì giá cơ sở mỗi lít xăng dầu sẽ phải thêm ít nhất 400-500 đồng.
Đây là lần thứ 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đề xuất lên cơ quan quản lý để xin nâng mức chi phí định mức (lần thứ nhất năm 2013 xin tăng thêm 500 đồng, và lần thứ hai là hồi tháng 4.2014). Như vậy, nếu chi phí kinh doanh định mức được tăng cao hơn mức 860 đồng/lít thì điều tất yếu là giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu sẽ tăng thêm, người dân sẽ phải chịu mức giá cao hơn so với công thức tính giá cơ sở hiện nay.
Tuy nhiên có điều đáng suy nghĩ khi một nghịch lý vẫn đang diễn ra. Trong cơ cấu chi phí định mức 860 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng ấn định mức thù lao được phép chi trả cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu tối đa là 50%. Tức là mức phí hoa hồng trích cho đại lý tối đa chỉ được 430 đồng/lít. Và điều đang diễn ra trong thực tế là: Một mặt kêu lỗ do mức phí ấn định mà cơ quan quản lý đưa ra lỗi thời, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng nhưng mặt khác doanh nghiệp “lén lút” chi trả hoa hồng cho đại lý lên đến 650 đồng/lít – 750 đồng/lít. Mức này xấp xỉ với phần lợi nhuận (860 đồng/lít). Vậy dù kêu thiếu hụt phần chi phí định mức nhưng tại sao doanh nghiệp lại chi thù lao hoa hồng cho đại lý nhiều như vậy? Đây là câu hỏi mà ngành chức năng phải làm rõ.
Giá xăng dầu khó giảm sâu
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu giữ nguyên thuế nhập khẩu đến hết năm 2014. Theo đó, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng vẫn ổn định mức 18%, dầu diesel 14%, dầu hỏa 16% và dầu madut là 15%. Nếu đối chiếu với ba-rem (thang điểm) và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%. Với mức thuế trên sẽ vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu theo ba-rem và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo các DN xăng dầu đầu mối, việc Bộ Tài chính bất ngờ giữ thuế xăng dầu theo các mức trên đến hết năm sẽ khiến cho giá xăng dầu khó giảm sâu. Bởi thuế cao sẽ khiến DN khó giảm giá xăng dầu, trừ phi giá xăng dầu thế giới biến động giảm mạnh-điều khó xảy ra trong những tháng cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, với thuế xăng dầu giữ cao, chi phí định mức của DN được đẩy lên thì tất cả sẽ lại đổ vào giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Giá xăng dầu từ nay tới cuối năm nhiều khả năng sẽ không còn cơ hội nào để giảm, thậm chí phải tăng lên. Giá xăng bán lẻ mới được điều chỉnh giảm 600 đồng/lít hôm 18.8 song vẫn đang cao hơn nhiều nước trong khu vực dẫn tới buôn lậu ngược xăng dầu từ các nước vào Việt Nam gia tăng. Vinpa cũng thừa nhận tình trạng buôn lậu xảy ra do "chênh lệch giá quá lớn từ 3.000 - 5.000 đồng/lít (dầu diesel)". Lẽ ra DN và các cơ quan chức năng phải tính giảm giá xăng dầu nữa thay vì giữ thuế và tăng chi phí định mức.
Một mặt kêu lỗ do mức phí ấn định mà cơ quan quản lý đưa ra lỗi thời, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng nhưng mặt khác doanh nghiệp “lén lút” chi trả hoa hồng cho đại lý lên đến 650 - 750 đồng/lít.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.