Giải báo chí THNDVN: 40 triệu cho giải Nhất bài "Vua lợn organic"

Lê San - Đàm Duy Thứ tư, ngày 06/09/2017 17:18 PM (GMT+7)
Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam (THNDVN) 2017 đã lựa chọn được 13 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. So với các năm trước, giải báo năm nay có chất lượng vượt trội hơn so với năm ngoái với nhiều chân dung được khắc hoạ rõ nét, chân thực.
Bình luận 0

img

Trưởng Ban Tổ chức, kiêm Trưởng Ban Giám khảo - Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận tại cuộc họp chấm chung khảo chiều nay 6.9.

Chiều 6.9, tại trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN), Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam (THNDVN) 2017 đã tổ chức họp chấm chung khảo.

Đây là Giải báo chí có quy mô toàn quốc đầu tiên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là đơn vị tổ chức. Công ty CP Phân bón Bình Điền là nhà tài trợ chính cho Giải.

Hội đồng chấm giải Chung khảo gồm 7 thành viên đã thống nhất trao giải cho 13 tác phẩm gồm: 1 giải Nhất trị giá 40 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 3 giải Ba, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 7 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.

img

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập Báo NTNN, thành viên Ban Giám khảo phát biểu thảo luận.

Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc THNDVN 2017 cho biết, sau 3 năm tổ chức thành công giải báo chí “Tự hào Nông dân Việt Nam”, tháng 3.2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ phát động giải báo chí toàn quốc THNDVN (trước đây là cuộc thi viết). Sau gần 1 năm phát động Giải, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.500 tác phẩm dự thi, trong đó 1.132 tác phẩm gửi đến để đăng trên Báo NTNN/Dân Việt và 368 tác phẩm từ các chi hội Nhà báo cả nước gửi về (bao gồm gửi về Hội Nhà báo Việt Nam và Báo NTNN).

Thay mặt Ban Sơ khảo, nhà báo Nguyễn Văn Hoài –  Phó Tổng Biên tập báo NTNN đã đọc tóm tắt báo cáo về Giải báo chí Tự hào NDVN 2016-2017. Theo ông Hoài, điểm mới năm nay đó là có nhiều tác phẩm được gửi theo chùm bài/loạt bài thay vì chỉ là những bài đơn lẻ như những năm trước. Giải báo chí toàn quốc Tự hào NDVN 2016-2017 nhận được sự quan tâm của đông đảo đội ngũ các tác giả chuyên và không chuyên trên cả nước; từ nhiều chi hội Nhà báo, cơ quan báo chí gửi bài tham dự...

img

Nhà báo Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, nông thôn; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới

Ông Hoài cho biết thêm, ngay từ khi nhận được tác phẩm gửi về, Ban Tổ chức giải đã đánh giá, lựa chọn rất chặt chẽ. Ban Sơ khảo đã quyết định chọn 37 tác phẩm xuất sắc nhất để gửi lên Ban Chung khảo, trong đó có 20 bài đã đăng trên báo NTNN. Qua tổng hợp của Ban Sơ khảo, có nhiều tác giả gửi loạt bài 3-4 kỳ, thậm chí có 5-6 kỳ; có tác giả gửi các chuyên đề 2-3 trang báo, làm đồ họa chân dung- theo cách làm chuyên sâu của báo chí hiện nay.

img

Nhà văn Văn Chinh – Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, thành viên Ban Giám khảo cho biết: "Giải Nhất và giải Nhì không có chênh nhau nhiều về mức độ và tính hấp dẫn của đề tài, khai thác rất kĩ những cá nhân".

Nhà văn Văn Chinh - Thư ký tòa soạn Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm bày tỏ: Chất lượng chung của giải năm nay đã tăng lên rất nhiều so với những năm trước. Giải Nhất và giải Nhì không có chênh nhau nhiều về mức độ và tính hấp dẫn của đề tài, khai thác rất kĩ những cá nhân. Về bút pháp, ngôn ngữ thể hiện, qua tổng hợp cho thấy cách thể hiện của nhiều tác giả rất hấp dẫn, nhiều chất thơ văn, chứ không bình bình, nhàm chán như hầu hết các bài viết về gương người tốt, việc tốt lâu nay. Có được  điều này có lẽ  do giải đã thu hút được sự tham gia của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng như nhà báo Lê Thọ Bình, Chu Khôi, nhà văn Văn Công Hùng, Tố Loan…

img

Ông Nguyễn Hồng Sơn- Trưởng Ban Tuyên huấn, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo phát biểu thảo luận.

Nhà báo Hoàng Trọng Thuỷ - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn, thành viên Ban Giám khảo mới đánh giá: Các tay bút phát hiện nghiêng về chân dung kinh doanh nhiều hơn, ít tấm gương sản xuất giỏi. Người nông dân hiện nay đang thiếu kiến thức về kinh doanh, không nắm bắt được thông tin cung cầu của thị trường. Qua đọc tác phẩm, tôi thấy toát ra rất nhiều vấn đề người nông dân hiện nay đang gặp phải là “lý thuyết khoảng trống”, khi hầu hết nông dân đều gặp vấn đề về thị trường, không tính toán được mặt kinh tế khi làm ăn. Gần như các bài điểm cao đều có sự phát hiện, thể hiện bằng văn phong phong phú, có hiệu ứng về mặt tương tác xã hội. Cái thiếu trong các bài viết là hồ sơ chứng minh hiệu quả của mô hình.

“Ví dụ như bài viết về HTX Trường Thành ở thời điểm xuất bản có thể có tính tương tác cao nhưng hiện nay hoạt động của HTX này đang đi xuống, đi qua “cao trào toả sáng”, có thể cuốn hút bạn đọc, người trong cuộc đi lên thành một phong trào, niềm tự hào rõ rệt"- ông Thủy đánh giá.  

img

Toàn cảnh buổi chấm chung Chung khảo Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam 2017.

“Cuộc thi năm sau, cần tập trung thêm mảng đề tài về nông thôn mới. Tôi đã tổng kết và nhận thấy trong đó có bài NTM ở Lâm Đồng là bài có tính tổng kết cao, thể hiện sự dày công, khả năng sáng tạo đúc kết của tác giả về một đề tài khá khó viết” – nhà báo Hoàng Trọng Thủy góp ý.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức, kiêm Trưởng Ban Giám khảo Giải cho biết: "Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Giải báo chí Tự hào NDVN và giao Báo NTNN/Dân Việt trực tiếp tổ chức thực hiện. Chúng tôi đánh giá cao công tác tổ chức của Báo NTNN. Đây là một giải báo chí có rất nhiều ý nghĩa, trong quá trình đọc chấm các tác phẩm, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân hiện nay. Đó là, họ đã có những sáng tạo để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất trên nền tảng những cây, con truyền thống".

Theo ông Lợi, năm nay Giải báo chí đã nhận được số lượng gần 1.500 bài, chứng tỏ đã nhận được sự ủng hộ cao của những người viết trên cả nước. Đối với nông nghiệp VN, nông dân giỏi đương nhiên phải là những người nuôi trồng giỏi, và những tác phẩm được đánh giá cao trong cuộc thi đã đáp ứng được tiêu chí hàng đầu đó. Đặc biệt, tác phẩm Đường làm giàu truân chuyên của vua lợn organic, khi đọc nhận thấy số phận của nhân vật rất rõ. Bạn đọc thấy được đường làm giàu gian truân của nhân vật và đến cuối bài, vẫn chưa hết gian truân. Quá trình làm giàu của nông dân vẫn phải tiếp tục phấn đấu, vượt qua hàng loạt khó khăn".

Hội đồng chấm Chung khảo thống nhất trao 13 giải cho các tác giả như sau:

  1. Tô Hiến Thành- Người dám đánh cược cả sinh mạng vào lợn "organic" - Lê Thọ Bình: Giải Nhất
  2. Làm vườn bằng công nghệ... điện toán đám mây- Nguyễn Văn Thiện: Giải Nhì  
  3. Đổi đời trên thảo nguyên Mộc Châu - Cuộc cách mạng của nông dân trí thức - Bảo Hân: Giải Nhì
  4. Người được đặt tên cho... cá - Ngọc Tấn: Giải Ba
  5. "Độc cô cầu bại" của làng cấy trầm Việt Nam - Trần Thế: Giải Ba
  6. Ông trùm nuôi dế và giấc mơ bột dế Việt Nam- Quốc Hải: Giải Ba
  7. Chấp nhận "ngã" nhiều để thành tỷ phú chanh - Anh Thơ: Giải Khuyến khích
  8. Tào Văn Lang ở làng... tỷ phú -  Văn Công Hùng: Giải Khuyến khích
  9. Chuyện Thiện và Trường trên đồi đá đỏ - Văn Việt: Giải Khuyến khích
  10. "Phù thủy" biến hoa tươi thành hoa bất tử - Tố Loan: Giải Khuyến khích
  11. Thầy giáo với chiếc máy vô chân mía - Kim Sang: Giải Khuyến khích
  12. Khởi nghiệp với nghề nuôi rắn ráo trâu- Hoàng Phan: Giải Khuyến khích
  13. Nuôi gà Đông Tảo, thu tiền tỷ mỗi năm- Chu Khôi: Giải Khuyến khích
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem