Giải mã đại hạn kỷ lục ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ hai, ngày 29/02/2016 06:33 AM (GMT+7)
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng và trên diện rộng, đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều biện pháp ứng phó đã được các cơ quan chức năng, nhà khoa học đề ra. Vậy đâu là biện pháp khả thi nhất?
Bình luận 0

img

Phóng viên NTNN/Dân Việt đã trao đổi với TS Tăng Đức Thắng (ảnh) - Phó Giám đốc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam.

Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL được Bộ NNPTNT dự báo năm nay sẽ đến sớm hơn và đặc biệt nghiêm trọng trong gần 100 năm trở lại đây. Ông có đánh giá gì về tình trạng này?

- Đúng vậy, Bộ NNPTNT đã dự báo về xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016 là sớm, sâu và kéo dài, và thực tế đang diễn ra theo dự báo này. Bộ NNPTNT đã  triển khai kế hoạch quản lý nước, sản xuất (nhất là lịch xuống giống vụ đông xuân) từ rất sớm, vào 16.10.2015, tức là ngay trong mùa mưa lũ ở ĐBSCL. Sau đó, các địa phương đã khẩn trương thực hiện và nhìn chung đã xuống giống sớm hơn dự kiến từ 20 ngày đến 1 tháng.

img

Để đối phó với hạn hán xâm nhập mặn, cần thực hiện tốt việc tích trữ và sử dụng tiết kiệm nước ngọt (ảnh chụp tại Đồng Tháp).   Ảnh: T.X

Trước đây, xâm nhập mặn thường bắt đầu từ tháng 2 hàng năm, năm nay đến sớm hơn gần 2 tháng. Phạm vi xâm nhập mặn rất lớn, tính đến tháng 1, đầu tháng 2, ranh mặn 4g/l đã tiến vào nội địa đến trên 50-55km trên sông Cửu Long, khoảng 90km trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, khoảng 55km trên sông Cái Lớn. Sang tháng 3 và tháng 4, tình hình còn có thể nghiêm trọng hơn. 

Nói đến ĐBSCL là nói đến lũ, đến nước. Vậy vì sao, khu vực này hiện nay lại chịu ảnh hưởng của hạn hán nặng đến thế, thưa ông?

- Năm 2015 là năm hạn lịch sử trên lưu vực sông Mekong. Theo đó, lượng mưa và dòng chảy trên lưu vực rất nhỏ so với trung bình nhiều năm (ước tính mưa chỉ đạt 30-50%). Do đó, lượng nước tích trữ trong mùa lũ 2015 ít và dòng chảy trong mùa khô 2016 thấp. Chính vì vậy, dòng chảy về ĐBSCL nước ta mùa khô 2016 rất thấp. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra hiện nay. Ngoài ra, xu thế sử dụng nước trên khu vực thượng lưu đang gia tăng cũng là một nguyên nhân quan trọng có tác động đến gia tăng xâm nhập mặn ĐBSCL.

Có quan điểm cho rằng, ngoài tác động của El Nino còn do yếu tố chủ quan như tình trạng xây dựng các đập thuỷ điện của các nước trong khu vực sông Mekong, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tác động chính, cơ bản là El Nino, làm cho lượng nước ít như tôi đã nói ở trên. Còn tác động của các công trình thuỷ điện thượng lưu chủ yếu là điều tiết phân bố lại dòng chảy theo thời gian, xuyên suốt từ mùa mưa sang mùa khô, theo hướng tích mùa mưa, xả mùa khô.  Ngoài ra như đã đề cập, việc gia tăng sử dụng nước ở thượng lưu cũng là một nguyên nhân gây hạn hán và xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, khu vực miền Trung, miền Nam và ĐBSCL hiện còn quá ít các hồ, đập thuỷ lợi nên mỗi khi mưa xuống là chảy đi hết, không tận dụng được nước trời, phụ thuộc quá lớn vào nước từ bên ngoài chảy vào?

- Đối với khu vực Trung, khá nhiều hồ (cả thuỷ lợi và thuỷ điện) đã được xây dựng trong thời gian qua và nguồn nước được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Riêng một số hồ thủy điện ở các sông SeSan và Srepok sau khi phát điện nước sẽ chảy về Campuchia và nhập vào sông Mekong nên chúng ta cần có kế hoạch sử dụng tốt hơn nguồn nước này trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, chúng ta vẫn còn tiềm năng để phát triển các hồ chứa, chẳng hạn như ở Nam Trung Bộ có các hồ lớn đã quy hoạch như sông Luỹ, La Ngà 3 (Bình Thuận), sông Cái (Ninh Thuận, đang xây dựng)...  và rất nhiều hồ vừa và nhỏ khác.

Để chống hạn, xâm nhập mặt, ngoại trừ xây các hồ lớn đòi hỏi nhiều kinh phí phải làm dần, còn lại các giải pháp tăng cường dự báo, điều tiết, sử dụng tiết kiệm nước và hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường trồng rừng… cần phải được triển khai ngay”.

TS Tăng Đức Thắng

Vậy theo ông, về lâu dài phải chăng chúng ta phải chấp nhận “sống chung với hạn” và như vậy, cần có giải pháp gì để thích ứng?

- Vấn đề này đã được nghiên cứu, thảo luận rất nhiều trong thời gian gần đây, nhưng phải khẳng định chống hạn là rất khó khăn và thậm chí còn khó hơn cả chống bão lũ.

Qua những bài học kinh nghiệm của thế giới và thực tế ở nước ta, theo tôi để giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn phải quan tâm đến các vấn đề lớn như, phải tạo nguồn nước ngọt là đặc biệt quan trọng (nhất là các vùng khan hiếm nước), có một số việc chính phải làm như xây dựng hồ chứa, ao, đập tạm trên kênh mương để tích trữ nước ngọt khi có điều kiện; trồng rừng để giữ nước và cải thiện khí hậu.

Có nhiều kinh nghiệm hay, chẳng hạn ở ĐBSCL làm các đập tạm tích nước mưa, nước kênh rạch ngay trong mùa mặn ở các vùng ven biển khi độ mặn giảm thấp, đạt hiệu quả rất cao; còn các vùng khan hiếm nước như Bình Thuận, Ninh Thuận ta lại tích nước cả tập trung (hồ vừa và lớn) và phân tán (hồ nhỏ, ao), nối mạng các hồ để điều hoà nguồn nước… 

Xin cảm ơn ông!

Tranh thủ lấy nước ngọt từ nay đến 7.3

Theo thông báo khẩn của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ ngày 25.2 đến ngày 7.3 nước mặn xâm nhập cao trở lại, ranh mặn 4g/l dịch chuyển sâu vào nội địa. Thời gian nước ngọt xuất hiện trên các cửa sông chính giảm, nhưng các vùng cách cửa sông Cửu Long 30-45km trở lên có thể lấy được nước ngọt khi triều vừa và thấp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem