Giải mã nguyên nhân Nga, Mỹ can thiệp vào Ukraine?

Thứ bảy, ngày 08/03/2014 10:01 AM (GMT+7)
Yếu tố địa chính trị của Ukraine khiến cả Nga và Mỹ khó có thể nhượng bộ nhau. Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong bao lâu và ai mới là thủ phạm thực sự làm cho tình hình Ukraine căng thẳng.
Bình luận 0
Báo The Nation của Thái Lan đã giải mã nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như đưa ra dự đoán cho tương lai của Kiev.

Tại sao Nga điều quân đến Crimea?
Mặc dù Nga tuyên bố phải can thiệp vào Crimea để bảo vệ thường dân Ukraine gốc Nga, nhưng lý do sâu xa là Ukraine có địa chính trị hết sức quan trọng, có biên giới tiếp giáp với Nga, đồng thời là nơi có căn cứ hải quân Nga, ở Sevastopol (thành phố nằm phía Tây Nam Crimea) mà Nga đã thuê của Ukraine.

Suốt trong nhiều năm qua, các quốc gia phương Tây tìm mọi cách để lôi kéo Ukraine đứng về phía mình, trong khi Nga cũng nỗ lực để ngăn cản điều đó. Trong tương lai, nếu Ukraine bị lôi kéo trở thành thành viên của NATO thì lúc đó Ukraine buộc phải chấp nhận tạo điều kiện cho lực lượng hải quân NATO “giám sát” xung quanh căn cứ hải quân Nga tại Crimea.

Và điều quan trọng nữa là khi Ukraine trở thành thành viên của NATO thì Ukraine có thể không chấp nhận cho Nga tiếp tục thuê căn cứ hải quân tại Crimea, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh trên biển cũng như sự ổn định của quân đội Nga. Mặt khác, NATO cũng có thể bố trí lực lượng tiếp giáp biên giới với Nga nếu Ukraine trở thành thành viên của tổ chức này.

img
Ukraine có vị trí rất quan trọng với Nga.

Mỹ có phải là thủ phạm gây bất ổn tại Ukraine?
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang tạo ra sự đối đầu căng thẳng giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng trên thực tế đây chỉ là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc lớn là Nga và Mỹ.

Để lý giải cho nghi vấn này, cần nhìn nhận thấu đáo rằng đất nước Ukraine hiện nay đã chia thành hai phe là Tây Ukraine và Đông Ukraine. Người dân khu vực Tây Ukraine muốn có quan hệ mật thiết với các quốc gia phương Tây, trong khi ở khu vực Đông Ukraine – phần lớn là người gốc Nga – lại muốn chính phủ thân với Nga.

Việc người dân Ukraine chia thành hai phe cũng khiến cho chính trường nước này chia thành hai phe rõ rệt, chính phủ của cựu Tổng thống Yanukovych đứng về phe thân Nga, còn phe đối lập lại muốn đi theo phương Tây. Cả Mỹ và Nga đều muốn Ukraine trở thành đồng minh của mình, bởi Ukraine được coi là địa bàn quan trọng trong chiến lược an ninh – quân sự của hai cường quốc này.

Dự báo về tương lai của Ukraine
Hiện nay, Nga là bên có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh ảnh hưởng tại Ukraine vì ít nhất Nga cũng đã kiểm soát được Crimea và sẵn sàng sử dụng lực lượng tiến vào Đông Ukraine. Trong khi NATO với Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền Ukraine, nhưng đang do dự về biện pháp sử dụng quân sự để đáp trả Nga.

Dự báo phải đến cuối tháng 3 hoặc sang đầu tháng 4.2014, khi các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoàn tất việc đánh giá cụ thể về tình hình tài chính của Ukraine để các quốc gia phương Tây có quyết định viện trợ cho quốc gia này, sau đó NATO sẽ nhóm họp để xác định lập trường chung giải quyết vấn đề Ukraine trước khi xúc tiến cuộc đàm phán tiếp theo với Nga thì tình hình Ukraine mới có lối thoát rõ ràng hơn.


Xuân Lăng (theo Thenation) (Xuân Lăng (theo Thenation) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem