Joseph Manning, tác giả chính của bài nghiên cứu chuyên sâu về sự sụp đổ của vương quốc kim tự tháp đã tuyên bố rằng các thảm họa thiên nhiên triền miên đã gây ra tình trạng bất ổn trầm trọng trong xã hội Ai Cập cổ đại.
Ông nói rằng: “Người Ai Cập cổ đại tận dụng lượng phù sa màu mỡ hai bên bờ sông Nile để canh tác, vì thế họ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào mùa nước lũ dâng cao mỗi năm một lần của sông Nile. Vào những năm núi lửa phun trào, lũ lụt trên sông Nile suy giảm, dẫn đến căng thẳng xã hội và gây ra tình trạng bất ổn cũng như những hậu quả chính trị và kinh tế khác”.
Jennifer Marlon, đồng tác giả bài nghiên cứu do Trinity College Dublin thực hiện bổ sung thêm: “Khoa học và lịch sử rất hiếm có những bằng chứng chi tiết, mạnh mẽ đến vậy về phản ứng của xã hội trước các cú sốc khí hậu trong quá khứ”.
Theo báo cáo, các trận siêu hạn hán cản trở khả năng tấn công mở rộng lãnh thổ cũng như phòng thủ của Ai Cập cổ đại.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy tình trạng thiếu lương thực đã gây ra rối loạn chính trị và kinh tế. Có thể đây là nguyên nhân đẩy Ai Cập tới bờ vực suy vong. Hoạt động núi lửa trong khu vực đã làm giảm mực nước lũ sông Nile, gây khó khăn trong việc đảm bảo lương thực đầy đủ cho người dân.
Tiến sĩ Francis Ludlow, đồng tác giả khác của bài nghiên cứu đã tuyên bố: “Bối cảnh lịch sử là chìa khóa để hiểu toàn diện về bất ổn xã hội do những áp lực môi trường đột ngột gây ra. Mức thuế cao kết hợp với căng thẳng sắc tộc vào thời điểm mất mùa do hạn hán kinh hoàng cũng có thể đã gây ra bạo động.”
“Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ trải qua vụ phun trào núi lửa khổng lồ, và có thể là một chuỗi phun trào. Chúng làm tình trạng hạn hán thêm khốc liệt ở những khu vực nhạy cảm trên thế giới”, tiến sĩ nhận định.
Các phát hiện mới chỉ ra rằng 70% mùa màng thế giới phụ thuộc vào mùa mưa. Các nhà nghiên cứu xem đây là một lời cảnh báo về thảm cảnh tương tự có thể xảy ra đối với những khu vực trên thế giới đang phụ thuộc phần lớn vào lượng mưa.
Nhóm tác giả dự định tiến hành phân tích sâu hơn để khẳng định rằng nền văn minh Ai Cập cổ đã bị tê liệt bởi sự thay đổi khí hậu và hoạt động núi lửa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.