Giải mã Tống Giang (Kỳ 1): Đệ nhất nhân Thủy Hử, không ai hơn Tống Công Minh

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 03/10/2019 18:30 PM (GMT+7)
Nhiều thế hệ độc giả Thủy Hử có quan điểm rằng, Tống Giang trí chẳng bằng Ngô Dụng, độ giàu có thì kém xa Sài Tiến, xuất thân lại tầm thường chẳng thể so bì với “trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh” Lư Tuấn Nghĩa, võ nghệ thì dĩ nhiên đọ sao nổi với những tay hảo hán yêng hùng như Lâm Xung, Quan Thắng. Vậy mà họ Tống lại ngồi ghế cao nhất, đại đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, mọi quyết sách của nghĩa quân đều nhất nhất tuân theo “Hô Bảo Nghĩa”, thì có bất công không chứ?
Bình luận 0

Những sai lầm trong đánh giá Tống Giang

Nhưng đó là một sự lầm tưởng lớn lao về Tống Giang, xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, bản Thủy Hử tiếp cận nhiều thế hệ độc giả nhất là do Thành Thán biên soạn lại, cắt xén nhiều chi tiết và “chêm” vào những lời bình hạ thấp nhân cách cũng như tầm vóc của “Tống Công Minh”. Và thứ hai, các phiên bản phim truyền hình nổi tiếng nhất về Thủy Hử đều không xây dựng được hình ảnh một Tống Giang đệ-nhất-nhân.

img

Tống Giang mới đích thực là đệ nhất nhân của Thủy Hử.

Danh tiếng của Tống Giang, vốn chỉ là anh áp ty ở huyện Vận Thành, lừng lẫy khắp Sơn Đông – Hà Bắc, được nhiều anh hùng hảo hán khắp nơi biết tới, đâu phải tự nhiên mà có. Cũng càng không phải là danh hão. Bằng chứng là bao lần Tống Giang tưởng chết đến nơi mà nhờ cái danh nổi như cồn của mình mà tai qua nạn khỏi.

Cách Tống Giang lần đầu xuất hiện trong Thủy Hử, ở hồi 17, đủ hiểu Thi Nại Am trân trọng nhân vật chính của của mình đến mức nào: “Người ấy họ Tống tên là Giang, biểu tự là Công Minh, con thứ ba, nguyên quán ở Vận Thành. Mặt đen, người thấp, thường gọi là Hắc Tam Lang Tống Giang, lại có tiếng là người hiếu để, bình sinh trọng nghĩa khinh tài”

Sau đó, Thi Nại Am tả tiếp: “Tống Giang làm Áp Ty ở huyện Vận Thành, văn án tinh thông, sành nghề nha lại, tính thích chơi quyền chơi gậy, học được nhiều ngón võ. Xưa nay lại hay kết nạp bọn hảo hán giang hồ, hễ ai đến đó, bất cứ thế nào, chiều chuộng hết cả, đến khi ra đi lại giúp đỡ tiền nong tử tế. Nhất sinh coi rẻ đồng tiền. Hễ ai vay mượn hỏi xin là cho ngay không tiếc. Lại có tính hay làm ơn làm huệ, ai có việc gì ngang trái, là dàn xếp can ngăn, kỳ cho thỏa thuận mới thôi”.

Chưa hết: “Thỉnh thoảng lại cho áo quan, phát vị thuốc, cứu người khổ giúp kẻ nghèo, đỡ người nguy cấp, thương kẻ khốn cùng, bởi thế nên khắp mặt Sơn Đông Hà Bắc, ai ai cũng tôn là Cập Thời Vũ Tống Minh Công, ý nói cũng như trận mưa phải thời, ở lưng trời tưới xuống để cứu muôn vật vậy”.

img

Tống Giang, sớm xây dựng cho mình một hình ảnh Nhân Nghĩa, con thường tiền tài, nổi như cồn trong thời đại Bắc Tống điêu linh.

Và từ đó, từng câu chuyện, từng sự kiện gắn liền với Tống Giang chính là cách Thi Nại Am diễn giải cho sự trân quý của ông dành cho nhân vật này. Nhưng các phẩm chất đặc biệt xuất sắc ở Tống Giang, người đọc nhiều khi lại không để ý kĩ. Hoặc ở Tống Giang không toát ra cái sự rõ ràng của một tay hảo hán anh hùng ngút ngàn, bản lĩnh bạt quần hùng kiểu Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm hay Sử Tiến. Hoặc giả họ bị ảnh hưởng quá lớn bởi những lời bàn chủ quan đến mức sai lệch của Thánh Thán.

Đầu tiên, chàng là nhà lãnh đạo xuất sắc, với chí hướng rõ ràng, có biệt tài thu phục nhân tâm lại giỏi quản lý nhân sự. Thứ hai, Tống Giang có năng lực thơ phú xuất chúng. Và thứ ba, bản lĩnh cầm quân trên chiến trường, cơ mưu trong chiến trận của họ Tống, tuyệt nhiên không hề thua kém “Trí Đa Tinh” Ngô Dụng.

Biệt tài số 1: Thu phục nhân tâm

Có nhiều cách để thu phục lòng người. Dùng lợi thế danh tiếng của mình là một cách. Dùng lời hay ý đẹp là một cách. Dùng tiền tài khéo léo là một cách. Biết cương nhu đúng lúc, thậm chí tự hạ thấp mình để tôn đối phương lên cao một vài bậc, cũng là một cách. Khiến đối phương phải mang ơn mình, lại là một cách nữa. Và không ai trong Thủy Hử có thể so bì với Tống Giang ở năng lực thu phục nhân tâm.

Nếu như quan điểm của Lưu Bị thời Tam Quốc là “thu lấy lòng người thiên hạ, để tranh đoạt thiên hạ” thì với Tống Giang cũng là câu chuyện tương tự: muốn thành đại nghiệp, phải có được nhân tâm. Trong một giai đoạn Bắc Tống triều đình hủ bại, quan lại tham tàn, nhân dân đói khổ, lòng người oán thán thì Tống Giang chọn cho mình một lối đi riêng để xây dựng thương hiệu: coi rẻ tiền tài, đề cao nhân nghĩa, giúp người nghèo kẻ khó hết mình.

img

Tống Giang cực giỏi trong việc thu phục nhân tâm, mà câu chuyện với Lý Quỳ là một ví dụ.

Kiểu “ngược gió” của Tống Giang xây dựng cho chàng hình ảnh một “Tống Công Minh”, “Cập Thời Vũ”, “Hô Bảo Nghĩa”. Tiếng lành thì vang xa. Thương hiệu Tống Giang cứ thế mà được đồn thổi khắp giang hồ. Có rất nhiều các hảo háo, thậm chí chỉ mong một lần được gặp Tống Giang bằng xương bằng thịt.

Thương hiệu của họ Tống lớn đến mức, chỉ cần biết chàng chính là… Tống Giang, thì ai cũng yêu, cũng quý cả. Tống Giang đã có cho mình những huynh đệ tốt như Lý Tuấn, Lý Lập, Đồng Uy, Đồng Mãnh, Trương Thuận, Trương Hoành, Hoa Vinh, Yến Thuận, Trịnh Thiên Thọ, Vương Anh… chính bằng cái tiếng Nhân – Nghĩa mà chàng cất công gầy dựng trước đó.

Tống Giang được coi là người “bình sinh coi rẻ đồng tiền” nhưng hơn ai hết, họ Tống hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền trong việc thu lấy lòng người trong giang hồ. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ, nhân chuyện lần đầu Tống Giang gặp Lý Quỳ là đủ để thấy “Cập thời Vũ” sử dụng đồng tiền xuất sắc như thế nào.

Đầu tiên, Tống Giang cho Lý Quỳ 10 lượng bạc, khi “Thiết Ngưu” gây hấn với tay chủ quán rượu. Lúc Lý Quỳ đánh một con hát bị thương, Tống Giang lại xuất 20 lượng bạc đền bù. Rồi tiệc tan, trước khi từ giã Tống Giang lại lấy một đĩnh bạc lớn chừng 50 lượng đưa cho Lý Quỳ để chi tiêu. Lý Quỳ vốn đã ngưỡng mộ Tống Giang từ trước, giờ lại được “ân sủng” đến thế chỉ trong lần đầu hồi ngộ, làm sao mà không phục không nể. Kể từ đó Lý Quỳ trở thành người-của-Tống-Giang, chỉ Tống Giang là số một. Với 80 mươi lạng bạc, Tống Giang có một tay rách trời rơi xuống sẵn sàng chết vì mình như Lý Quỳ.

img

Tống Giang dùng lời hay lẽ phải, phân tích lợi hại khiến Hô Diên Chước tâm phục quy hàng.

Chuyện gia ơn cho đối phương để từ đó thu phục nhân tâm, thì Tống Giang đã làm không biết bao lần, và tuyệt đại đa số đều đem lại giá trị lớn về sau. Cho tiền cũng là một cách để tạo ơn, và trong hành trình của Tống Giang, không chỉ có một Lý Quỳ nhận được “cơn mưa tốt lành”. Chuyện báo tin cho Tiều Cái trốn thoát khỏi quan quân truy bắt là một ví dụ khác của việc gia ơn, lấy được lòng người, để đến khi có việc có thể cậy nhờ Tiều Cài bất kì lúc nào.

Việc đem binh mã Lương Sơn đi cứu nhóm Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Dương Chí (..) rồi Sử Tiến, cũng là cách gia ơn để thu lấy lòng người, từ đó tăng cường thế lực cho Lương Sơn, làm mạnh thêm “vây cánh” của mình trên Bến nước. Tầm nhìn chiến lược quả là xuất sắc, hiếm người bì kịp!

Kĩ năng thuyết phục xuất sắc

Còn đối với các tướng triều đình từng giao tranh với nghĩa quân Lương Sơn, Tống Giang đặc biệt giỏi trong việc thuyết phục bằng hành động, lời nói. Phân tích thiệt hơn với lời lẽ đi vào lòng người, khiến đối phương tự nguyện mà quy hàng, nhập hội. Thoạt nhìn thì có vẻ Tống Giang chỉ có một bài, nhưng đi vào chi tiết từng lần khuyên hàng chúng ta mới thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận của họ Tống.

Khi khuyên hàng Hô Duyên Chước, Tống Giang “vội quát quân sĩ cởi trói ra, rồi thân hành xuống ngựa dắt Hô Duyên Chước lên ngồi, và lạy chào rất là cung kính”, rồi lại dùng lời lẽ khiêm nhường thế này: “Nay Tướng quân tới đây, chúng tôi lấy làm hâm mộ vô cùng, nên mới cả gan trộm phép Tướng quân mà mời đến. Như thế thật là đại tội, dám xin Tướng quân đại xá cho”.

img

Tống Giang thuyết phục Quan Thắng gia nhập Lương Sơn bằng những lớp nang mưu kế công phu.

Sau đó Tống Giang nói tiếp: “Cao Thái Úy là kẻ tâm địa hẹp hòi, hay quên ơn lớn và hay nhớ lỗi nhỏ... Nay Tướng Quân đã làm hao tổn biết bao binh mã lương thực, vậy có khi nào Cao Thái Úy lại không gia tội cho ngài. Vả chăng Hàn Thao, Bành Dĩ, Lăng Chấn, đều đã nhất tâm đến ở trại tôi. Nay nếu Tướng Quân có lòng hạ cố, mà cùng sum họp, thì Tống Giang này xin nhường ngôi để kính Tướng Quân. Đợi khi triều đình có lệnh chiêu an, thì ta sẽ cùng nhau giúp nước... Chẳng hay Tướng Quân nghĩ sao?”.

Rõ ràng, Tống Giang đã chỉ cho Hô Diên Chước thấy cái hại vô cùng khi trở về triều đình đối mặt với Cao Cầu, rồi sau đó lại nêu tên các tướng dưới trướng của họ Hô đã quy phục nghĩa quân Lương Sơn, để đặt “Song tiên” vào thế không-thể-không chấp thuận việc nhập hội Lương Sơn. Năng lực thuyết phục đúng là vô cùng diệu tuyệt.

Với Quan Thắng, quá trình thu phục nhân tâm “Đại Đao” của Tống Giang còn được triển khai theo những lớp lang bài bản hơn nhiều. Đầu tiên, khi Quan Thắng giao chiến với cặp Tần Minh, Lâm Xung sắp không đương nổi, Tống Giang ra lệnh thu binh. Điều này khiến một người đọc sách thánh hiền từ nhỏ như Quan Thắng không thể không nảy sinh tâm sự.

Rồi sau đó, Tống Giang để Hô Diên Chước sang trại Quan Thắng, làm một công đôi việc. Việc thứ nhất là triển mưu lừa Quan Thắng vào chỗ có phục binh để bắt. Và việc thứ hai, quan trọng hơn, để Hô Diên Chước cho Quan Thắng biết về cái sự Nhân- Nghĩa, cái chí khí ngất trời của Tống Giang. Thế nên đến khi Quan Thắng bị bắt rồi, họ Tống chỉ cần “mời Quan Thắng lên ngồi ghế giữa, cúi đầu lạy tạ mà nói rằng: - Quân chúng ngu cuồng vong mệnh, dám mạo phạm oai ngài, xin ngài tha tội cho” là đủ để thu phục được tướng tài.

(Còn nữa...)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem