Giải pháp nào cho bất động sản công nghiệp trong giai đoạn thiếu điện?

Gia Linh Thứ năm, ngày 29/06/2023 12:47 PM (GMT+7)
Việc liên tục bị gián đoạn cung ứng điện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến phân khúc bất động sản công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Bình luận 0

Bất động sản công nghiệp gặp khó vì thiếu điện

Các tháng đầu năm 2023, tình trạng khí hậu khắc nghiệt khiến việc cung cấp điện trong mùa khô trở nên khó khăn hơn. Việc cắt điện luân phiên trở thành giải pháp khó tránh để đảm bảo cung ứng điện.

Từ cuối tháng 6, tình hình cung cấp điện cơ bản được đảm bảo nhưng việc cắt điện luân phiên vẫn diễn ra, đặc biệt là tại một số tỉnh khu vực phía Bắc. Điều này đã đặt ra thách thức đáng kể cho lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp, chế xuất tại các tỉnh trọng điểm.  

Ông P - Giám đốc một doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp cho biết trong các khu công nghiệp thường có rất nhiều nhà máy, đơn vị sản xuất. Việc gián đoạn cung cấp điện có thể ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất, làm đơn đặt hàng bị trì hoãn, gây ra các chi phí phát sinh. Điều này tác động trực tiếp đến năng suất và lợi nhuận chung của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp: Những giải pháp trong thời kỳ thiếu điện - Ảnh 1.

Việc thiếu điện gây ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận chung của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Ảnh: Gia Linh

"Một số địa phương thường sẽ thông báo lịch cắt điện trước để doanh nghiệp chuẩn bị. Tuy nhiên, một số trường hợp cắt điện đột ngột vẫn diễn ra và dẫn tới hư hỏng thiết bị sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng. Để kịp tiến độ đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải bố trí công nhân làm việc ca đêm để bù vào những khoản thời gian gián đoạn công việc vì thiếu điện. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự hạn chế về nguồn nhân lực và máy móc sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", vị này cho hay.

Chị Thuỷ (công nhân khu công nghiệp VSIP tại Bình Dương) cho biết công ty của chị không bị ảnh hưởng nhiều do thiếu điện vì công ty đã có bộ phận phát điện dự phòng. Tuy nhiên, chị Thuỷ cho hay em gái của mình đang làm việc cho khu công nghiệp tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) thì phải nghỉ làm liên tục, công nhân đi làm luân phiên vì mất điện. Nhiều lúc, mất điện từ sáng đến tối, công ty còn bố trí cho công nhân đi làm vào cả ban đêm.

Ông Thomas Rooney - quản lý cấp cao, bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng việc cắt điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các tỉnh chủ lực về công nghiệp, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc. Mặc dù một số khu công nghiệp, chế xuất hiện đại được trang bị hệ thống điện dự phòng nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại ngắn hạn về tần suất cắt giảm điện tiềm ẩn.

Bất động sản công nghiệp: Những giải pháp trong thời kỳ thiếu điện - Ảnh 3.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư bất động sản công nghiệp theo nhu cầu năng lượng. Ảnh: Gia Linh

Mặc dù một số khu công nghiệp đã triển khai hệ thống điện dự phòng, nhưng tính ổn định của hệ thống cũng là một bài toán khó tìm lời giải. Công suất vận hành đối với máy móc tại các nhà máy sản xuất là rất lớn, khó để có thể đảm bảo tính liền mạch đối với toàn bộ hệ thống trong tình trạng cắt điện thời gian dài.

Giải pháp cho bất động sản công nghiệp thời khan hiếm điện

Chuyên gia của Savills cho rằng việc thiếu điện tại một số địa phương có thể thúc đẩy làn sóng dịch chuyển khách thuê và các nhà đầu tư di dời đến các địa phương khác. Khách thuê và các nhà đầu tư đang triển khai việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất.

Một số nơi như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định... đang được các nhà đầu tư cân nhắc cho chiến lược đầu tư và di dời của mình. Trong khi đó, các địa phương ở phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp lại tính ổn định hơn vì khả năng cung ứng điện tốt do ít bị ảnh hưởng điều kiện thời tiết.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất và các chủ đầu tư khu công nghiệp cần có những giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn để ứng phó với tình hình thiếu hụt năng lượng. Theo chuyên gia Thomas Rooney, trong ngắn hạn, việc nâng công suất dự phòng lên tiêu chuẩn cao hơn là cần thiết để đảm bảo quy trình sản xuất liền mạch. Các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống điện dự phòng công suất lớn và áp dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn có thể giúp giảm thiểu tác động của việc cắt điện và đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Bất động sản công nghiệp: Những giải pháp trong thời kỳ thiếu điện - Ảnh 4.

Việc phát triển năng lượng tái tạo được theo là giải pháp dài hạn. Ảnh: Gia Linh

Đáng chú ý, về dài hạn, việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời và điện gió, cũng như nâng cấp hệ thống truyền tải là một trong những chiến lược được chuyên gia khuyến nghị để đồng thời tận dụng tối đa tiềm năng của Việt Nam và hạn chế khó khăn về cung ứng điện trong mùa khô.

"Với lợi thế địa lý và tài nguyên, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa chú trọng vào các dự án do chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định. Có thể thấy, năng lượng là giải pháp dài hạn và bền vững để giải quyết các vấn đề về thiếu điện gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong mùa khô", chuyên gia Savills cho hay.

Trong một báo cáo vào tháng 4/2023, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết năng lượng tái tạo đạt 13,31 tỷ kWWh, chiếm 15,6% tổng sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem