Chuyên gia giáo dục: "Giảm đầu điểm kiểm tra sẽ làm tăng áp lực thi cử"

Hà My Thứ bảy, ngày 19/09/2020 11:29 AM (GMT+7)
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng việc bỏ đầu điểm kiểm tra một tiết trong Thông tư mới của Bộ GDĐT là khó hiểu.
Bình luận 0

Nỗi lo tăng áp lực thi cử

Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ ở một số môn như trước đây. Trong đó, đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu theo định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.

Ngay lập tức, nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này được nêu ra để bàn luận. Một số giáo viên cho rằng tới đây giáo viên sẽ thêm gánh nặng về việc đánh giá, thay vì cho điểm qua bài kiểm tra thông thường. Để phản ánh đúng được khả năng của học sinh, giáo viên cần phải có kỹ năng đánh giá quá trình và đa dạng hình thức đánh giá. 

Chia sẻ về thông tư này, đặc biệt là việc giảm đầu điểm kiểm tra 1 tiết, TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục - cho rằng việc bỏ đầu điểm kiểm tra 1 tiết là khó hiểu.

TS. Vũ Thu Hương: "Giảm đầu điểm kiểm tra sẽ làm tăng áp lực thi cử" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Tôi thật sự không hiểu lý do tại sao lại phải bỏ đi đầu điểm kiểm tra 1 tiết. Trong các điểm kiểm tra, kiểm tra 1 tiết như một dạng đánh giá chính thức trong thời gian ngắn. Với mỗi chương bài quan trọng, các giáo viên sẽ bố trí lịch kiểm tra 1 tiết để đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng điểm số" - bà Hương nói.

Theo bà Hương, điểm kiểm tra 1 tiết ngoài giá trị đánh giá chính xác hơn khả năng của học sinh, nó còn giảm bớt áp lực điểm số cho học sinh. 

Điều này có vẻ ngược với suy nghĩ của các phụ huynh. Tuy nhiên, khi có nhiều đầu điểm, áp lực sẽ được giảm bớt. Có ít đầu điểm, áp lực buộc điểm số phải cao sẽ tăng và mỗi kì kiểm tra hoặc thi, học sinh sẽ cảm  thấy mệt  mỏi và nặng nề.

Bà Hương cho rằng đối với học sinh tiểu học, đánh giá bằng nhận xét là hợp lý vì các con mới đi học, cần quen dần với việc học tập. Nhưng với học sinh cấp THCS và  THPT, các con đã quá hiểu mọi nhiệm vụ học tập. Điểm số với các tiêu chí đánh giá đã được xác định rõ ràng. Vì thế, giáo viên dễ dàng hiểu và tìm được cách giáo dục trẻ hợp lý.

Ngoài ra, những hoạt động thực hành rất cần có các điểm số đánh giá để có thể nhận xét chính xác hoạt động này của học sinh. Hơn nữa, điểm thực hành được công nhận và tính vào điểm chung sẽ giúp học sinh hiểu rõ trách nhiệm thực hành của mình. Nếu thực hành được đánh giá dưới dạng nhận xét, trẻ sẽ không nhận ra tầm quan trọng của thực hành và các con sẽ bỏ qua những nhiệm vụ này, coi đó là nhiệm vụ phụ, không quan trọng.

TS. Vũ Thu Hương cũng nhấn mạnh rằng điểm số của cấp THPT và THCS có giá trị thể hiện rõ trình độ kiến thức cũng như năng lực thực hành của trẻ. Nếu giảm các đầu điểm, điểm số sẽ không còn chính xác nữa. 

"Bên cạnh đó, những trường đại học tuyển sinh bằng học bạ sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá học sinh, chọn lựa nhân tài cho trường mình. Ngoài ra, có quá ít đầu điểm, tiêu cực sẽ luôn có đất để tồn tại. Khi đó, niềm tin của các trường đại học vào học bạ sẽ giảm sút. Điều này sẽ khiến các trường nghĩ đến việc tổ chức các kì thi tuyển sinh và chính điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho chính các học sinh khi dự tuyển vào trường" - bà Hương cho hay.

Sẽ tập huấn cho giáo viên

Ông Sái Công Hồng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, trong đánh giá định kỳ sẽ có các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành thí nghiệm hoặc dự án học tập. Thời gian có thể là 45 phút (tương đương với 1 tiết học) đến 90 phút. Với các môn chuyên, học sinh có thể làm bài kiểm tra 120 phút.

Việc sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá thông qua bài thực hành, dự án học tập giúp mức độ đánh giá được rộng hơn, sâu hơn so với nội dung kiểm tra, đánh giá thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập trong đánh giá thường xuyên

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc trung học, ông ông Lê Duy Tân - trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GDĐT TP.HCM) cho rằng lâu nay giáo viên vẫn sử dụng cách kiểm tra cũ để đánh giá học sinh. Nay đột ngột thay đổi cách đánh giá không khỏi khiến cho giáo viên có tâm lý lo lắng.

Chia sẻ về điều này, ông Hồng cho rằng một năm có số đầu điểm cố định nhưng lại không có cố định về số lượng bài kiểm tra. Vì vậy, giáo viên hoàn toàn có thể tăng cường số lượng bài kiểm tra dưới nhiều hình thức để đảm bảo đánh giá đúng quá trình phát triển của học sinh. Bên cạnh đó, việc giảm số lượng đầu điểm, đề kiểm tra cuối kỳ và giữa kỳ được xây dựng dựa theo ma trận, đạt được mục tiêu của môn học, sẽ đảm bảo tính công bằng khi chấm điểm cho học sinh tại các trường, lớp khác nhau.

Được biết, cuối tháng 10, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tập huấn kỹ hơn cho giáo viên cốt cán việc đánh giá bằng nhận xét. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem