Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nông nghiệp Hà Nội phải khác biệt, mang gương mặt mới

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 10/11/2023 18:44 PM (GMT+7)
Theo GS-TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.
Bình luận 0

Thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô chiều 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đã có những chia sẻ tâm huyết về lĩnh vực nông nghiệp của Thủ đô.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nông nghiệp Hà Nội phải khác biệt, mang gương mặt mới - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý góp ý trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội chiều 10/11. Ảnh: Thuỷ Nguyên

Nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải xuất khẩu 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu nhận định, trong hơn 10 năm qua, Luật Thủ đô năm 2012 đã phát huy giá trị trong thực tế, góp phần để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. 

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi thủ đô Hà Nội phải có những bước đi, những hành lang pháp lý thực sự đột phá để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, trước hết phải nhận thức rõ về quan điểm mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, điều quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình,…) cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận. 

"Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. 

Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác", bà Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nông nghiệp Hà Nội phải khác biệt, mang gương mặt mới - Ảnh 2.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng lan hồ điệp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm của anh Ngô Minh Trưởng ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Về giải pháp, nữ đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại đất đai cho phát triển nông nghiệp. Đây là nội dung cần đột phát mạnh, cần tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh như, giảm đầu tư cho trồng trọt, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh; Tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có.

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại trình độ kỹ thuật nông nghiệp. Đây là một trong những nội dung giữ vị trí quan trọng, trong điều kiện TP.Hà Nội hiện nay mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, chưa chú trọng vào nghiên cứu, ứng dụng ở các khâu làm gia tăng giá trị nông sản.

Tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất.

Đồng thời, cần cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp, cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp thủ đô theo hướng xanh, sạch, bền vững

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan nhận xét, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này đã thể chế hóa đước các chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và của Thành phố, xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Trong đó, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn, du lịch nông nghiệp.... có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi về sử dụng đất đai. Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung toàn diện các quy định đến nông nghiệp như quy định về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.

Nữ GS-TS có nhiều năm làm công tác quản lý, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ nông dân đã đề xuất một số quy định trong Luật Thủ đô như sau:

Nên nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý đất bề mặt/tầng canh tác ở các vùng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích khác để tránh làm lãng phí nguồn đất bề mặt "vô cùng giá trị" có thể sử dụng trồng trọt. Tại nhiều nước phát triển đã có quy định rõ về việc này;

Nghiên cứu và xem xét bổ sung quy định về thực hiện biện pháp giảm phác thải khí nhà kính; quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cac-bon;

Xem xét bổ sung quy định tỷ lệ cây xanh, mặt nước đối với các khu đô thị mới, bổ sung quy định rõ về duy tu, đưa ra quy định quản lý và phát triển nhằm tăng tỉ lệ cây xanh ở các khu đô thị đã hình thành;

Nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tồn và phát triển diện tích đất nông nghiệp có giá trị cao trong quy hoạch phát triển thành phố như là một điểm quan trọng để phát triển môi trường đô thị bền vững;

Nghiên cứu bổ sung quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nền nông nghiệp đô thị của Thủ đô với nhiều yêu cầu cao hơn về chất lượng, giá trị và công nghệ vận hành, quản lý;

Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ học phí cho con em nông thôn học lực giỏi lựa chọn học tập lĩnh vực nông nghiệp và cam kết sau khi học xong trở về công tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương.

"Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã có nhiều đổi mới cần thiết phải được ban hành sớm, tạo sự đột phá và tạo khung khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển kinh tế xa hội của thủ đô trong bối cảnh mới, thách thức mới. Cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp thủ đô theo hướng xanh, sạch và bền vững", bà Lan nêu quan điểm và đề nghị sớm thông qua Luật Thủ đô sửa đổi để Hà Nội phát triển xứng tầm với trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học công nghệ của cả nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem