Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp trên đường hội nhập quốc tế
Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam: Sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp trên đường hội nhập quốc tế
Trương Hồng
Thứ năm, ngày 22/08/2024 09:24 AM (GMT+7)
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ, với mô hình thành lập, hoạt động kiểu mới là hạt nhân “hợp tác”, HTX góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường rộng rãi.
Chia sẻ với P.V Dân Việt, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Các HTX nông nghiệp ngày nay đã thay đổi với một mạo diện mới, các hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ngày càng đa dạng.
Nếu các HTX nông nghiệp trước đây chỉ làm các dịch vụ nông nghiệp như thủy lợi, bảo vệ thực vật, thu hoạch..., thì nay các HTX ở lĩnh vực này đã vươn xa hơn, các HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và tạo dựng niềm tin với xã hội về mô hình HTX trong xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác".
HTX nông nghiệp ở Quảng Nam đứng thứ 9/63 tỉnh thành cả nước
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 1 Liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 546 HTX nông nghiệp.
Trong đó, có khoảng 310 HTX nông nghiệp tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 129 HTX đạt tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM; 110 HTX là chủ thể của 136 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 - 4 sao; 80 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ về phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H
"So với các địa phương trên cả nước, Quảng Nam là tỉnh có số lượng HTX nông nghiệp thành lập tương đối cao, đứng thứ 9/63 tỉnh thành (với 546 trên tổng số 21.139 HTX toàn quốc); so với năm 2020, toàn tỉnh tăng đã tăng gần 400 HTX NN, như vậy bình quân mỗi năm tăng gần 100 HTX nông nghiệp.
Đối với số liệu tổ hợp tác (THT), hiện nay việc theo dõi, thống kê THT trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp cấp huyện không nắm rõ số lượng thành lập; chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở để có số liệu báo cáo yêu cầu.
Qua phối hợp Sở KH&ĐT tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 2.880 tổ hợp tác đang hoạt động, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong tổ hợp tác là 12.001 thành viên...", ông Tích cho biết.
Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết thêm, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và sở NNPTNT tỉnh đã ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện xây dựng dự án, kế hoạch liên kết.
Tính đến tháng 7/2024, đã có 82 dự án, kế hoạch được phê duyệt. Các dự án, kế hoạch liên kết thu hút 84 HTX và 74 doanh nghiệp tham gia liên kết, có 17.906 hộ dân tham gia thực hiện liên kết.
Từ năm 2021 đến năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn vốn ngân sách tỉnh là 70 tỷ đồng, trong đó 35 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 35 tỷ đồng vốn đầu tư, đến cuối năm 2023, giải ngân 34,731 tỷ đồng. Năm 2024, ngân sách tỉnh tiếp tục bố trí 9 tỷ đồng, hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện.
"Nhìn chung, việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp, khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm…", ông Tích nhấn mạnh.
Liên kết, hợp tác đưa "hạt nhân" HTX vươn khơi, vươn xa
Cũng theo ông Phạm Viết Tích, về cơ bản các HTX đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, từng bước khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ; hỗ trợ thành viên liên kết trong sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Sở NNPTNT Quảng Nam nhấn mạnh, sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Ảnh: T.H
"Với mô hình thành lập, hoạt động kiểu mới là hạt nhân "hợp tác", HTX góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường.
HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên HTX nông nghiệp như, giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên; góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, từng bước khắc phục một số mặtyếu kém của kinh tế hộ về vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất tăng thu nhập; góp phần xây dựng xã nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình OCOP", ông Tích chia sẻ.
Để phát triển HTX, THT nông nghiệp trong thời gian tới, ông Phạm Viết Tích cho biết, ngành nông nghiệp Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như, phổ biến, quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ; các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp.
"Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương. Tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 5 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp. Tiếp tục bố trí nguồn lực để hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp và xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình; đồng thời lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX nông nghiệp vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.
Bên cạnh đó còn nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp. Không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tổ chức bộ máy, nhân sự của HTX nông nghiệp…", ông Tích nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.