|
Diện tích đất lúa đang ngày càng co hẹp. |
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của cả nước năm 2010 tăng gần 1,78 triệu ha so với năm 2005, trong đó tăng chủ yếu ở loại đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng chủ yếu do các địa phương chuyển từ đất rừng sang, chủ yếu là ở một số tỉnh ĐBSCL và Tây Nguyên. Tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng, nhưng diện tích đất trồng lúa trong 5 năm qua lại giảm tới 37.546ha, (trung bình giảm hơn 7.000ha/năm).
Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), việc chuyển sang đất phi nông nghiệp như xây dựng đô thị, đất ở, công trình giao thông... là nguyên nhân dẫn đến diện tích đất trồng lúa giảm. Trong số 63 tỉnh, thành thì có tới 41 tỉnh, thành có diện tích đất trồng lúa giảm, điển hình là Tây Ninh, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang...
Tại hội nghị này, Bộ TN&MT đã đưa ra cảnh báo, tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trong 5 năm qua ở các địa phương là rất phổ biến, nhất là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại các vùng ven Hà Nội và TP. HCM.
Bên cạnh đó, việc mua gom đất nông nghiệp để chờ dự án, dẫn đến bỏ hoang hóa đất ven các thành phố lớn. Đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoá còn xuất phát từ nguyên nhân quy hoạch đô thị phân tán, tràn lan, không có sự tiếp nối giữa các đô thị cũ và đô thị mới. Tình trạng để đất nông nghiệp bỏ hoang là xu hướng tiêu cực, đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển ổn định của đất nước trong vài thập kỷ tới.
Ông Lê Thanh Khuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Diện tích các loại đất chưa cấp giấy chứng nhận còn rất lớn: Đất chuyên dùng còn 53,8%, đất lâm nghiệp còn hơn 26%, đất ở đô thị còn tới 15,1% diện tích.
Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua vẫn chậm so với Nghị quyết 07/2007 của Quốc hội (Nghị quyết của Quốc hội đề ra là đến năm 2010 phấn đấu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đối với tất cả các loại đất).
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.