Giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ cấp bách

Thứ năm, ngày 24/10/2013 10:04 AM (GMT+7)
Sau sự kiện biểu tình gây rối xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên, năm 2002, Ban chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập nhằm đưa Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững...
Bình luận 0
Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Thế Vinh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nguyên xung quanh vấn đề này...

Thưa ông, sự kiện biểu tình xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên đến nay đã qua hơn 10 năm. Với khoảng thời gian đó, chúng ta có thể có một cái nhìn rộng hơn về những nguyên nhân dẫn đến sự kiện này?

- Ngay khi sự kiện xảy ra, chúng ta đều biết đó là do âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch ở vùng Tây Nguyên. Chúng đã lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” và sử dụng tổ chức phản động Fulro để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động tư tưởng ly khai tự trị nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội vùng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những nguyên nhân chủ quan từ phía hệ thống chính trị đã được chỉ ra kịp thời, đó là: Trong quá trình đầu tư các nguồn lực để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, đôi khi chúng ta chưa chú ý đúng mức đến truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, văn hoá của đồng bào; chưa dự báo những tác động của việc phân bổ lại dân cư, vấn đề quy hoạch đất, rừng, nguồn nước… mà đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống lâu đời…

imgÔng Phùng Thế Vinh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nguyên

Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên là đúng đắn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, nhưng việc tổ chức thực hiện lại thiếu đồng bộ và chưa tập trung đúng mức để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc về đất đai, việc làm, sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS... Những vấn đề này đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động chống phá.

Bên cạnh đó hệ thống chính trị các cấp, nhất là cơ sở nhiều nơi còn yếu kém, quan liêu, xa dân, chưa đủ sức để xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở, chưa quan tâm chăm lo xây dựng buôn làng. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đúng với tầm vóc, yêu cầu của tình hình mới, nhiều nơi làm chưa tốt…

Trở lại với một số buôn làng từng là "điểm nóng" hàng đầu về an ninh chính trị trong những năm 2001-2004, chúng tôi ghi nhận những đổi thay đáng phấn khởi về nhiều mặt. Theo ông, vì sao các địa phương ấy có thể tạo được những chuyển biến nhanh như vậy ?


- Tôi nghĩ, vấn đề cơ bản là chúng ta đã nhận diện và có những chủ trương, giải pháp khắc phục rất kịp thời những thiếu sót như vừa nêu. Bên cạnh chính sách chung phát triển miền núi và vùng đồng bào DTTS trong cả nước, đã có nhiều chính sách riêng cho vùng Tây Nguyên, nhằm tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và định canh, định cư cho các buôn làng; kịp thời hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo; đảm bảo các quyền của đồng bào DTTS về văn hóa thông tin, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tiếng nói và chữ viết các dân tộc...

Như chúng ta đã thấy ở các địa bàn khó khăn phức tạp trước đây, nhiều buôn làng từ nghèo đói đã vươn lên khá nhờ hình thành mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm; định hình được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán.

Hạ tầng nông thôn đã từng bước được cải thiện; hệ thống giáo dục được mở rộng đến buôn làng với phương châm có dân sinh là có trường lớp; mạng lưới y tế cộng đồng không ngừng được mở rộng; các dịch bệnh thường lưu hành như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch... được khống chế; đời sống văn hoá ở buôn làng từng bước cải thiện. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương đã phát ổn định với thời lượng khá lớn nhiều thứ tiếng DTTS.

Nhà nước đã quan tâm đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian; phục hồi văn hoá cồng chiêng, biên soạn luật tục dân tộc... Đặc biệt cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những nơi khó khăn, phức tạp về an ninh chính trị đã có nhiều giải pháp nhằm tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể xã, buôn làng và chuyển trọng tâm hoạt động xuống địa bàn dân cư, bảo đảm cho hệ thống chính trị cơ sở ngày càng gần dân và từng bước đảm đương được nhiệm vụ.

Đã tập trung quyết liệt vào việc thu hẹp số buôn làng chưa có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng; chú ý đúng mức công tác quy hoạch, tạo nguồn, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Trong HĐND cấp xã ở Tây Nguyên, đại biểu người DTTS chiếm 37,6%; trong cơ cấu đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức DTTS chiếm trên 31%...

Lãnh đạo nhiều địa phương khi trao đổi với chúng tôi đều rất phấn khởi trước những chuyển biến về mọi mặt. Tuy nhiên điều họ trăn trở là tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, còn những tiềm ẩn về an ninh trật tự. Theo ông thời gian tới chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề này như thế nào?

- Có thể khẳng định trong 10 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc đã được triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp có hiệu quả. Nhưng có một thực tế là việc giảm nghèo cho đồng bào DTTS chưa thực sự vững chắc.

Tỷ lệ hộ DTTS nghèo trong tổng số hộ DTTS ngày càng giảm nhưng tỷ lệ hộ DTTS nghèo trong tổng số hộ nghèo ngày càng tăng. Sự chênh lệch mức sống, trình độ dân trí và điều kiện hưởng thụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bào DTTS tại chỗ với các nhóm dân cư khác còn có khoảng cách. Tình trạng tái nghèo và cận nghèo còn cao; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận khá lớn dân cư còn thấp kém, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ... Chính vì vậy, giảm nghèo cho đồng bào DTTS vẫn còn là nhiệm vụ cấp bách phải được tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp.

Có một thực tế là việc giảm nghèo cho đồng bào DTTS chưa thực sự vững chắc. Tỷ lệ hộ DTTS nghèo trong tổng số hộ DTTS ngày càng giảm nhưng tỷ lệ hộ DTTS nghèo trong tổng số hộ nghèo ngày càng tăng.
Ông Phùng Thế Vinh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nguyên


Theo tôi trước hết là tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn phục vụ cho việc phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế; bảo đảm cho tất cả các xã, buôn làng vùng DTTS có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện văn hóa và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa trên nền tảng kinh tế nông hộ.

Nghiên cứu, lựa chọn, xây dựng những mô hình làm ăn có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của từng nơi để giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất. Nâng cao ý thức, kiến thức và kỹ năng về sản xuất hàng hóa; tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, từng bước đưa sản xuất vùng DTTS thoát ra khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hòa nhập vào kinh tế thị trường…

Đặc biệt, phải quán triệt sâu sắc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên từng địa bàn dân cư. Quan tâm giải quyết những vướng mắc, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Chăm lo xây dựng buôn, làng vững mạnh về an ninh trật tự; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong vùng DTTS. Vận dụng linh hoạt các quy định của luật tục dân tộc để xây dựng các quy ước, hương ước của buôn làng, nhất là đối với vấn đề bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giải quyết cơ bản vấn đề an ninh nông thôn thông qua việc giải quyết kịp thời những bức xúc về đời sống của dân.

Xin cảm ơn ông !

Ngọc Tấn (thực hiện) (Ngọc Tấn (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem