Giám sát vật tư nông nghiệp: Thiếu chuyên môn, khó phối hợp

Khải Phong Thứ ba, ngày 14/04/2015 10:26 AM (GMT+7)
LTS:  Hiện nay, Hội Nông dân (ND) các tỉnh, trong cả nước đang tập trung thực hiện Chương trình phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp (VTNN) theo chương trình ký kết liên tịch số 17 giữa Hội NDVN, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương. Khởi đầu của một chương trình lớn, bên cạnh những thuận lợi, công tác phối hợp giữa các cấp hội và sở ngành địa phương còn có không ít khó khăn, bất cập cần tiếp tục tháo gỡ, hướng tới hoạt động giám sát đem lại kết quả cao nhất. Để góp phần làm rõ những vấn đề trên, Báo NTNN xin giới thiệu tới bạn đọc những câu chuyện thực tế và
Bình luận 0

“Hội không có chức năng lấy mẫu xét nghiệm”

Tại Quảng Nam, Hội ND tỉnh ở đây vẫn chưa thực hiện ký kết chương trình phối hợp, tuy nhiên vào cuối năm 2014, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Quảng Nam có xin ý kiến Tỉnh uỷ tổ chức phối hợp giám sát VTNN thí điểm tại Hà Lam, Thăng Bình. Kế hoạch này được Tỉnh ủy Quảng Nam phê duyệt. Đoàn giám sát do ông Trần Thanh Liên – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam làm trưởng đoàn, thành viên là đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở NNPTNT và Sở Công Thương.

img
Nông dân vùng trồng dưa huyện Đồng Xuân (Phú Yên)  phát hiện mua phải phân bón giả.  Ảnh: Hùng Phiên 
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Liên cho biết: Cái vướng đầu tiên trong lĩnh vực giám sát này là cán bộ hội chúng ta không có chuyên môn, phải phụ thuộc vào các sở. Trong khi đó, mỗi sở có đối tượng quản lý khác nhau. Như phân bón, Sở NNPTNT quản lý phân hữu cơ (phân vi sinh, umit…); còn các loại phân vô cơ thì Sở Công Thương quản lý. Nhưng thuốc BVTV thì ngành NNPTNT quản lý toàn bộ… Chức năng, nhiệm vụ mỗi sở có đặc thù như vậy nên khó phối hợp. Những chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã trong việc quản lý sản suất, kinh doanh VTNN cũng có những chồng chéo.

Cũng theo ông Liên, đoàn giám sát chủ yếu kiểm tra về giấy phép kinh doanh, nhãn hiệu hàng hoá, giá cả…, còn phân bón chất lượng hay không thì chịu. Vì muốn biết, phải lấy mẫu đi xét nghiệm, “nhưng Hội không có chức năng lấy mẫu xét nghiệm; hơn nữa lấy kinh phí đâu xét nghiệm?”– ông Liên giãi bày.

Để biết phân bón đạt chất lượng hay không, cũng như khi ND mua phân bón có được hướng dẫn rõ ràng hay không, Đoàn giám sát phỏng vấn 7 chủ hộ ND. Kết quả mỗi người nói mỗi kiểu, không thể kết luận được gì. Có ND mua phân bón của đại lý này về bón, thấy chưa đạt, bèn mua thêm của đại lý kia, cuối cùng không biết phân bón của đại lý nào tốt, của đại lý nào không tốt.

“Việc này mới quá”

Ông Võ Huấn - Chủ tịch Hội ND huyện Thăng Bình, thành viên đoàn giám sát, tâm sự: Việc này mới quá, lần đầu tiên làm, chuyên môn lại không có, phụ thuộc hết vào các Sở NNPTNT, Công Thương, đã vậy còn bị động về thời gian. Đoàn chỉ làm một buổi, hỏi và kiểm tra đại lý sơ sơ, sau đó làm việc với UBND xã, UBND huyện cũng vậy. Nói thật là ở trên chỉ đạo thì làm chứ quá khó vì không có chuyên môn, làm sao biết phân bón nào giả, phân bón nào thật. Nếu giám sát thực hiện cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn thì làm được. Như giám sát thực hiện Quyết định 33 của UBND tỉnh Quảng Nam về cơ giới hóa nông nghiệp, hay Quyết định 35 của tỉnh về phát triển chăn nuôi thì làm được, nắm văn bản trong tay, đối chiếu với thực tế là ra. Còn chuyện này vẫn mơ hồ quá.

Quan điểm

Ông Trần Thanh Liên - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam
  Nếu không có những chỉ đạo quyết liệt hơn từ Trung ương cũng như Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tôi lo rằng chương trình phối hợp giám sát VTNN này rơi vào hình thức”. 
Cũng theo ông Huấn, Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, đi thực hiện giám sát thì dễ, chứ Hội ND đi giám sát nhiều cái khó. Đối tượng không hợp tác cũng chịu chứ biết làm sao. Giỏi lắm là kiến nghị, chứ không bắt buộc ai được.

 

Ông Trịnh Tấn Ưu, chủ đại lý Lan Ưu (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều) – đại lý duy nhất được đoàn giám sát trong lần này cho biết: Tại cuộc giám sát do Hội ND tỉnh Quảng Nam tổ chức, tôi kiến nghị một số điều nhưng đến nay đã 4 tháng, vẫn chưa thấy thực hiện. Trong đó, tôi kiến nghị đối với những người kinh doanh không có đăng ký kinh doanh cũng phải kiểm tra, giám sát họ, yêu cầu họ bổ sung thủ tục. Những người đó, họ không phải nộp thuế, không chịu trách nhiệm gì với cơ quan chức năng, cũng không bị kiểm tra, giám sát.

Cuối cuộc kiểm tra đó, Ban chấp hành Hội ND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng. Trong đó kiến nghị một số việc, nhưng qua theo dõi, thấy các kiến nghị đó đều chưa được địa phương, đại lý thực hiện. “Nếu không có những chỉ đạo quyết liệt hơn từ Trung ương cũng như Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tôi sợ rằng chương trình phối hợp giám sát VTNN này rơi vào hình thức” – ông Liên chia sẻ.

Tôi thấy cuộc giám sát có ý nghĩa nhất định

Là thành viên tham gia đoàn giám sát do lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Nam làm trưởng đoàn, tôi thấy cuộc giám sát này có ý nghĩa trong việc đôn đốc trách nhiệm của UBND cấp xã và cấp huyện trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn, giúp lành mạnh hoá môi trường kinh doanh lĩnh vực vật tư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Quảng Nam.

Mới chỉ kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh

Đối tượng giám sát - đại lý phân bón Lan Ưu - chủ yếu kinh doanh phân bón vô cơ, mặt hàng thuộc Sở Công Thương quản lý. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng mua bán, bảng niêm yết giá bán, dụng cụ cân, đong theo quy định. Còn kiểm tra chất lượng phân bón thì vượt quá khả năng, phải dựa vào phỏng vấn 7 hộ nông dân có sử dụng phân bón của đại lý, tuy nhiên kết quả cũng rất mơ hồ. 

Ông Dương Tấn Tuấn - Chuyên viên Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam), thành viên trong đoàn giám sát.

Có chồng chéo, hiệu quả giám sát chưa cao

Tôi đại diện cho Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đi theo đoàn giám sát. Tôi không nói đợt giám sát này là hình thức nhưng phải thừa nhận rằng có những quy định chồng chéo trong quản lý VTNN giữa Sở NNPTNT và Sở Công Thương dẫn đến hiệu quả giám sát không cao. Trước đây, Sở NNPTNT quản lý toàn bộ về chất lượng VTNN, bao gồm phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng…, Sở Công Thương chỉ quản lý về đăng ký kinh doanh. Nhưng khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27.11.2013 của Chính phủ có hiệu lực thì Sở NNPTNT chỉ còn quản lý phân bón hữu cơ, mặt hàng chính mà nông dân hay dùng là phân bón vô cơ do Sở Công Thương quản. Đấy chính là chỗ chồng chéo, nhập nhằng trong quản lý, dẫn đến hiệu quả giám sát không cao. Lâu nay, việc kiểm tra giám sát chất lượng VTNN, bên ngành nông nghiệp làm đã quen tay. Nông dân cũng quen trình báo chất lượng vật tư nông nghiệp với ngành nông nghiệp. Nay giao mảng này qua ngành Công Thương, có những hụt hẫng nhất định. 

Cuộc giám sát vừa rồi do Hội ND Quảng Nam chủ trì cũng gây hiệu quả nhất định trong việc nhắc nhở cơ quan nhà nước địa phương, tuy nhiên nhìn nhận chung là chưa thể làm lành mạnh hoá thị trường kinh doanh VTNN. 

Ông Võ Văn Diêu - Phó phòng Thanh tra Chi cục BVTV tỉnh Quảng Nam


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem