Bị lao, chẩn đoán ho sau sinh
Chị Nguyễn Thị M (27 tuổi, ở xã Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, sau khi sinh, chị bị ho thường xuyên. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lâm Hoa, các bác sĩ kết luận chị bị “ho sau sinh”, chỉ kê thuốc kháng sinh và khuyên “một thời gian bệnh tự khỏi”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2012/images/2012-11-10/1434723487-270_14_benh-lao.jpg) |
Chị M được tư vấn tại Trạm Y tế xã. |
Tuy nhiên, sau dùng thuốc, chị lại ho nhiều, cơ thể mệt mỏi, tức ngực, sốt nhẹ, đổ mồ hôi nhiều. Cầm hồ sơ đi “kiện” Bệnh viện Lâm Hoa, bắt họ khám lại, thì mới thấy phổi chị đã tổn thương nặng. Chị M được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh một thời gian thì về nhà. Để tránh lây nhiễm cho con, chị phải cai sữa cho cháu khi mới 7 tháng tuổi và gửi cả con lớn, con bé về bà ngoại. Hiện, do sức yếu, chị không đi làm được, cả gia đình trông vào 2,5 triệu do chồng chị làm công nhân kiếm được hàng tháng.
Chị M là 1 trong 5 trường hợp mắc lao mới được phát hiện tại xã Nam Cao năm 2012. Theo bà Nguyễn Thị Mỵ -cán bộ y tế xã chuyên trách phòng chống lao, nhận thức của người dân về bệnh lao còn hạn chế, chỉ đến lúc ho sốt nặng mới đi khám. Có bệnh nhân đi soi đờm, có kết luận bị lao nhưng lại trốn biệt. Nhiều người chỉ thừa nhận ốm yếu là do lao lực quá sức. Do giấu bệnh, nên họ cũng uống thuốc lén lút, bữa nhớ, bữa quên, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh.
Còn bác sĩ Đặng Phi Hùng – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình nhận định, không ít bệnh nhân lao khi bị ho, sốt đã đến khám tại các phòng khám tư và được chẩn đoán nhầm sang viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí “ho gió”, “ho thời tiết”, “ho sau sinh”. Hậu quả là chậm phát hiện người bị bệnh lao, dẫn tới lây lan ra cộng đồng và việc điều trị cũng khó khăn hơn.
Khó khăn truy tìm bệnh nhân lao
“Nhiều người dân quê có thói quen ho khạc, dân số ở xã Nam Cao là gần 7.000 người, nên mỗi năm cần phải đưa hơn 200 người đi xét nghiệm đờm để phát hiện xem có mắc lao hay không”- bác sĩ Hùng phân tích.
“Hiện nay, bác sĩ chuyên khoa lao ở Thái Bình chỉ có 18 người, thiếu khoảng 50% so với nhu cầu. Trong khi đó, số người được xét nghiệm đờm còn quá nhỏ so với 1,8 triệu dân Thái Bình”.
Bác sĩ Đặng Phi Hùng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình
Tuy nhiên, bà Mỵ cho rằng, mỗi năm, xã Nam Cao chỉ gửi được khoảng 30-40 người đi xét nghiệm đờm trên huyện, phát hiện từ 5-7 người mắc mới (gần 17% trong số người nghi mắc đi xét nghiệm đờm). Như vậy, nếu “xét nghiệm đủ”, số người mắc lao mới ở Nam Cao sẽ còn nhiều hơn.
Theo bà Mỵ, không thể ép các bệnh nhân ho đi xét nghiệm được. Thậm chí, nghi lao đến “99%” người bệnh cũng không đi vì sợ bị kết luận giấy trắng mực đen là mắc lao. Họ lén lút chạy chữa từ các bác sĩ tư bên ngoài.
Còn theo chị M, hiện gia đình nhà chồng chị cũng đang có 3-4 người ho mãn tính nhiều năm nay. Sau khi chị M bị lao, chị có vận động gia đình đi khám, nhưng mọi người đều nói đấy là bệnh ho “gia truyền” chứ không phải lao.
Được biết, mỗi năm Thái Bình chỉ tổ chức xét nghiệm đờm cho khoảng 0,5-0,7% dân số, phát hiện từ 1.600-1.800 ca lao mới.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.