Giảo cổ lam làm rạng danh xứ Mường

Chủ nhật, ngày 05/06/2011 08:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tìm kiếm cây thuốc chữa bệnh cho chính mình, anh Bùi Đắc Quang ở xóm Tày Măng, xã Tu Lý đã khám phá ra vựa cây thuốc Giảo cổ lam ở vùng cao Đà Bắc, Hoà Bình.
Bình luận 0

Hành trình tìm cỏ thần kỳ

Tuổi trẻ của anh Quang là chiến trường B5 với các trận đánh ác liệt. Những tháng năm chiến đấu không chỉ lấy đi một phần sức khoẻ của anh mà còn để lại di chứng trên hai đứa con anh.

Năm 2000, anh về hưu. Năm 2006, anh bị liệt, người chỉ còn da bọc xương. Vào viện chụp cắt lớp, bác sĩ kết luận anh bị vôi hoá tuyến tùng và vôi hoá đám rối mạch mạc 2 thất (não), mỡ máu cao... Gọi là chạy chữa, chứ chẳng ai tin anh có thể bình phục trong một sớm một chiều.

img
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (phải) thăm xưởng sản xuất trà Giảo cổ lam của anh Quang.

Trong lúc bi quan, anh dùng một loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ thảo dược Giảo cổ lam. Lùng tìm sách báo về các loài thảo dược thấy Giảo cổ lam còn mang nhiều tên: Thất diệp đởm, cây trường sinh, cỏ thần kỳ, ngũ diệp sâm... Cây chỉ mọc ở các vùng núi đá từ độ cao 600-2.000m so với mực nước biển. Anh đoán, huyện Đà Bắc quê anh thế nào cũng có loài thảo dược này...

“Nếu dùng trực tiếp Giảo cổ lam hiệu ứng chữa bệnh sẽ tốt hơn”- anh Quang nghĩ. Hành trình lặn lội khắp núi rừng vùng Đà Bắc tìm loài cỏ thần kỳ khiến nhiều lần anh suýt mất mạng. “Có lần bị vắt cắn, về nhà trút bỏ quần áo vợ đem giặt chậu nhuộm đỏ máu. Lần thì lạc trong rừng cả đêm. Lần ngã từ vách đá xuống suýt mất mạng. Song, sau nhiều lần lấy mẫu hỏi ý kiến các chuyên gia ngành dược, cuối cùng tôi cũng tìm được loài Giảo cổ lam trên vùng Đà Bắc”- anh Quang kể.

Trả ơn cuộc đời

Anh Quang xem việc mình tìm ra cây Giảo cổ lam trên vùng Đà Bắc như cái duyên trời cho. Anh rất biết ơn các chuyên gia ngành dược đã giúp anh phân định loài cỏ thần kỳ này với các loại cây khác cùng họ, đặc biệt là GS-TS Nhà giáo Nhân dân Phạm Thanh Kỳ-nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu loài Giảo cổ lam ở Sa Pa (Lào Cai) năm 1997. Cảm phục ý chí quyết tâm tìm loài Giảo cổ lam ở vùng đất mới Đà Bắc, ông nhận làm cố vấn khoa học cho anh Quang sản xuất trà Giảo cổ lam.

“Dùng trà Giảo cổ lam tự tìm, tự chế biến, tôi thấy sức khoẻ ngày càng cải thiện. Trong vùng có nhiều người mắc các bệnh về tim mạch rất nặng, dùng trà Giảo cổ lam do tôi chế biến sức khoẻ chuyển biến rất tốt. Đó là cơ sở để tôi xây dựng xưởng chế biến trà Giảo cổ lam và nghiên cứu hoàn thiện quy trình ươm giống, trồng đại trà dược liệu quý này”- anh Quang cho biết.

Ban đầu, anh thu hái, chế biến và đóng gói trà Giảo cổ lam thủ công. Đầu năm 2011, được sự giúp đỡ của các kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh đầu tư lắp đặt hệ thống máy sấy tự động; máy đóng gói theo công nghệ hút chân không; máy dán nhãn. Anh cam kết: “Với các cựu chiến binh, đồng đội chiến đấu của tôi bị nhiễm chất độc da cam, người nghèo tôi mời đến nhà ở cả tháng, uống miễn phí trà Giảo cổ lam, nếu thấy sức khoẻ cải thiện thì mua sản phẩm”.

Giữ gen quý

Xưởng sản xuất của anh Quang có hơn 10 lao động làm các công đoạn chế biến, đóng gói, lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Còn lao động trong, ngoài xã thu hái nguyên liệu cho anh lên đến hàng trăm người.

Bạn đọc cần biết thêm thông tin về Giảo cổ lam, liên hệ với anh Bùi Đắc Quang - nông dân SXKD giỏi huyện Đà Bắc (Hoà Bình) qua số máy 0982.898.698.

“Họ Giảo cổ lam có nhiều loài, nhưng chỉ có loài trên thân có cả lá chét 7 cánh và lá chét 5 cánh mới chứa nhiều hoạt chất quý. Nhiều người tìm hái đúng loại này mỗi tháng thu 5-6 triệu đồng là bình thường”-anh Quang cho hay.

Hiện, anh đang hợp tác với một doanh nghiệp dược cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc viên nén Curpenin có tác dụng giảm mỡ máu. Đã có một khách hàng người Đức sang thương thảo với anh về kế hoạch xuất khẩu trà Giảo cổ lam sang châu Âu.

“Nếu tìm thêm được cơ hội hợp tác, sản phẩm từ Giảo cổ lam sẽ đa dạng hơn, công suất chế biến tăng lên, nguồn nguyên liệu sẽ cần rất nhiều. Giống ươm trong vườn tôi sẽ cung cấp cho bà con trồng trên các núi đá vừa có nguồn nguyên liệu, vừa giữ môi trường sinh thái, giữ nguồn gen dược liệu quý này...”- anh Quang tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem