Giáo dục Bình Dương cần bước đột phá để trở thành trung tâm đào tạo cho miền Đông Nam bộ
Giáo dục Bình Dương cần bước đột phá để trở thành trung tâm đào tạo cho miền Đông Nam bộ
Trần Khánh
Thứ hai, ngày 31/07/2023 11:12 AM (GMT+7)
Việc nhận thức rõ thách thức, hạn chế là tiền đề quan trọng để giáo dục Bình Dương tháo gỡ những điểm nghẽn, cũng như bức phá để trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp Vùng và quốc gia.
Ngành giáo dục Bình Dương và lãnh đạo tỉnh cũng xác định giáo dục là 1 trong 3 trụ cột để thực hiện thành công chiến lược xây dựng đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo.
Những kết quả ấn tượng của giáo dục Bình Dương
Giữa tháng 7, Bộ GDĐT công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên toàn quốc. Bình Dương là tỉnh có điểm trung bình thi tốt nghiệp xếp thứ 2 cả nước, cao hơn 1 bậc so với năm 2022.
Nhìn lại các kỳ thi THPT vừa qua, có thể thấy, Bình Dương liên tục đứng trong top đầu cả nước. Năm 2018, Bình Dương xếp hạng 6; năm 2019 xếp hạng 4; năm 2020 xếp thứ 2. Năm 2021, Bình Dương bứt phá lên hạng nhất cả nước. Đặc biệt năm 2022, Bình Dương có tỷ lệ đậu đại học đứng đầu cả nước (67,42%).
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, tỷ lệ thí sinh nhập học đại học năm vừa qua của Bình Dương cao nhất trên toàn quốc, so với tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT. Đây là kết quả rất ấn tượng của ngành giáo dục tình Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GDĐT Bình Dương cho biết, thời gian qua, ngành đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT một cách bền vững.
"Vị thế của giáo dục đào tạo tỉnh Bình Dương không ngừng được khẳng định so với các tỉnh, thành phố trong cả nước", ông Phong nói.
Công tác đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm tăng lên, bình quân 40.000 học sinh, sinh viên/năm.
Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 82%. Trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32% cao hơn bình quân chung cả nước. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng.
Kết quả này góp phần hình thành đội ngũ lao động chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động và phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở Bình Dương.
Khắc phục điểm nghẽn của giáo dục Bình Dương
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương từ một tỉnh với kinh tế nông nghiệp đã từng bước chuyển mình trở thành một tỉnh phát triển năng động, là trung tâm công nghiệp đô thị hiện đại ở Đông Nam Bộ.
Cùng với triển kinh tế, Bình Dương luôn đảm bảo công tác giáo dục và đào tạo cho các tầng lớp nhân dân; nhất là con em của lực lượng lao động, những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội và sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh về công nghiệp và thu hút nguồn lao động, mỗi năm dân số của Bình Dương tăng trung bình khoảng 100.000 dân. Bình Dương hiện có hơn 53,5% trên tổng số gần 2,8 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, điều này đã tạo nên áp lực trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục.
Bình quân mỗi năm, Bình Dương tăng hơn 20.000 học sinh các cấp học. Nhiều trường học có sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học và tình trạng thiếu giáo viên.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Bình Dương cũng còn bất cập vì quy mô tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực mới đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Mặc dù hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 8 trường đại học. Tuy nhiên quy mô đào tạo trình độ đại học, sau đại học vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ thấp hơn mức bình quân trong khu vực và cả nước.
Chất lượng và số lượng đào tạo đại học chỉ mới đáp ứng được một phần yêu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt là các ngành nghề mà tỉnh và vùng Đông Nam bộ đang cần như kinh tế, tài chính, logistic, trí tuệ nhân tạo, các ngành cơ khí và kỹ thuật công nghệ khác.
Giáo dục Bình Dương cần bước đột phá để trở thành trung tâm GDĐT
Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ vừa qua có đề ra nhiệm vụ xây dựng TP.HCM thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Cùng với đó, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia.
Ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương nằm ở tiểu vùng trung tâm. Trong đó, khu vực phía Nam của tỉnh là trung tâm phát triển của toàn vùng; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, và giáo dục đào tạo.
Với mục tiêu phấn đấu Bình Dương sẽ trở thành một thành phố thông minh, việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược.
Nhiệm vụ này vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển của Bình Dương.
Ông Minh cho biết, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 24, Bình Dương sẽ sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia và vùng.
Từ những kết quả và hạn chế đã chỉ rõ, Bình Dương sẽ thực hiện một loạt giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đối với bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, tỉnh thống kê lại nhu cầu để bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp cho các cấp học theo từng năm, trung hạn, dài hạn. Việc này nhằm đảm bảo cho học sinh có đủ chỗ học, nhất là con em công nhân lao động.
Bình Dương tiếp tục quan tâm, ưu tiên phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục đào tạo ở nhiều cấp độ từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, từ giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn cho đến giáo dục thường xuyên, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tỉnh tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, có tính chất liên vùng.
"Song song đó là nhiệm vụ hình thành các trường nghề có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Minh chia sẻ.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 730 trường, trung tâm các cấp học (gồm 394 trường công lập và 336 trường ngoài công lập) với gần 512.000 trẻ, học sinh, học viên các cấp học từ mầm non đến THPT. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường đại học với 31.543 sinh viên; 1.768 giảng viên đại học, trong đó có 534 giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.