Giật mình trẻ "tố" cô bằng cách tát bốp vào mặt

Thứ sáu, ngày 11/01/2013 06:34 AM (GMT+7)
Dân Việt - Chị Lan ngã ngửa khi chỉ vô tình hỏi đùa con trong lúc chơi: “Cô đánh con thế nào?”, thằng bé chưa biết nói bỗng dưng nghiêm sắc mặt rồi giơ tay tát bốp vào mặt mình.
Bình luận 0

Nhiều trẻ còn rất nhỏ, thậm chí chưa biết nói nhưng hành động bắt chước cô giáo đã vô tình “tố” chuyện các giáo viên mầm non vẫn thường xuyên dùng roi vọt với trẻ nhỏ ở trường.

img
Ảnh minh họa

Tát búp bê bôm bốp

Chị Nguyễn Thị Linh có con gái 4 tuổi học tại một trường mầm non ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phát hoảng khi một lần vô tình nghe được đoạn hội thoại của con với… búp bê. Cô bé miệng leo lẻo quát con búp bê: “Có thích tát không, im miệng ngay, há mồm ra ăn nhanh lên”… rồi “ngồi bô mãi mà không tè à, đứng ra góc lớp úp mặt vào tường”…

Sau đó cô bé cao giọng: “khóc này, khóc này”, một tay giữ một tay tát bôm bốp vào mặt búp bê rồi nói “xin lỗi cô đi”???

“Tôi hoảng hốt hỏi con sao lại làm như thế với búp bê thì được trả lời: “Con đang chơi trò cô giáo, ở lớp cô vẫn làm thế mà”???”. Sau đợt đó, biết là ở lớp con mình và các bạn vẫn thường xuyên bị các cô dùng roi vọt nhưng là trường công, không có camera theo dõi, không có bằng chứng nên dù xót con tôi vẫn chẳng biết góp ý với cô thế nào đành phải... ngậm bồ hòn.

Chỉ còn cách là đến ngày nọ, ngày kia “đi” cô cho cẩn thận và hi vọng các cô nể tình mà nhẹ tay với con mình” – chị Linh nói.

Vì hoàn cảnh, chị Hoàng Lan (Tiền Hải – Thái Bình) phải sớm cho con trai chưa được 16 tháng tuổi đi nhà trẻ. Là trường công, không có lớp cho trẻ dưới 2 tuổi nên con chị Lan phải học cùng với các anh chị 2 – 3 tuổi.

Chưa kịp mừng thầm vì con đi học được vài ngày đã thấy có nề nếp và chịu khó ăn, ngủ hơn hẳn thì chị Lan đã ngã ngửa khi chỉ vô tình hỏi đùa con trong lúc chơi: “Cô đánh con thế nào?”, thằng bé chưa biết nói bỗng dưng nghiêm sắc mặt rồi giơ tay tát bốp vào mặt mình. Không tin vào mắt mình, chị Lan hỏi lại : “Thế cô đánh Bin thế nào nhỉ?” Thằng bé lại giơ tay làm lại một lần nữa rồi nhe răng ra cười.

Hoảng hốt, hôm sau chị Lan mang chuyện này kể lại với cô giáo thì nhận được câu trả lời của cô: “Bạn nào hư thì cô phải đe mẹ ạ, chứ không thì không quản được các con đâu”.

Đầu vẫn gật gù không dám ý kiến thêm với cô nhưng 1 tuần sau lấy lý do con ốm chị Lan xin cô cho cháu nghỉ đợi đến 2 tuổi cứng cáp rồi đi học một thể: “16 tháng, tuy chưa biết nói, nhưng người lớn làm gì, nói gì trẻ biết hết đấy. Vẫn biết cô làm thế để con có nề nếp nhưng cháu còn nhỏ quá tội lắm” - Chị Lan nói.

Không roi vọt khó rèn trẻ???

Gần đây, đã có không ít những vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về nhân cách giáo viên mầm non.

Người trong cuộc – giáo viên thì biện minh rằng do áp lực công việc, lương thấp hơn nữa phải “yêu cho roi cho vọt” mới giáo dục được trẻ, nhưng các chuyên gia tâm lý thì cho rằng đòn roi sẽ gieo ám ảnh vào tuổi thơ trong sáng của trẻ, khiến trẻ sớm biết đến bạo lực học đường.

Cô N.T.N – giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn xã Đông Ngạc (Từ Liêm – Hà Nội) thú nhận rằng, mặc dù trường có camera cho phụ huynh theo dõi nhưng thực ra muốn quát, mắng hay đánh trẻ không khó vì camera không thể phủ kín toàn bộ khuôn viên trường, chỉ cần bế trẻ rời khỏi phòng một lúc thì cô có làm gì cũng chỉ… trời biết, đất biết.

Cô N cũng cho rằng: “Mỗi một lớp có tới gần 40 trẻ mà không phải trẻ nào cũng ngoan nên giáo viên không thể chỉ dùng biện pháp nịnh nọt, giỗ dành được cần phải nghiêm khắc hơn”.

img
 

Cô Đỗ Thị Hà – Giáo viên tại trường tiểu học Yên Khánh – Ninh Bình kể: “Học sinh tiểu học bây giờ cũng ghê gớm lắm, có nhiều em hư cô giáo quát mắng còn dám cãi lại “em thách cô đánh em đấy”, bởi chúng biết đằng sau luôn có gia đình hậu thuẫn sẵn sàng tố cáo cô khiến cô phải nghỉ dạy như thường”.

Ở khía cạnh khác, cô Đỗ Thị Kim Dung - Giảng viên khoa giáo dục mầm non - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Một số giáo viên để giải toả tâm lý bực bội, tức giận, muốn nhanh chóng đưa trẻ vào nề nếp, quy củ đã trút giận lên trẻ những lời lẽ mắng mỏ, những hình phạt về thể xác lẫn tinh thần. Đó là những hành động vi phạm pháp luật, xúc phạm đên danh dự và nhân phẩm trẻ. Điều này sẽ hình thành những tổn thương, những vết đau trong tâm hồn trẻ theo trẻ đến suốt cuộc đời sau này”.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng – Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lý – ĐH KHXH & NV cho rằng, việc dùng đòn roi trong giáo dục là rất phản khoa học. “Những đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên sẽ có tâm lý chán ghét môi trường xung quanh, thù địch với cuộc sống. Nặng nề hơn có thể dẫn đến trầm cảm, cục cằn, luôn muốn trả thù và xa hơn sẽ gây lên nguy cơ làm gia tăng bạo lực học đường”.

“Trong quá trình chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non sẽ thường xuyên đối mặt với các tình huống khác nhau như trẻ đánh nhau, giẫm lên chân nhau, cô bảo tô màu xanh lại tô màu đỏ, nghịch ngợm... trước những tình huống đó xử sự như thế nào cần năng lực sư phạm khéo léo của giáo viên. Mỗi đứa trẻ là một con người, thế giới tâm hồn riêng biệt và phong phú, nếu người giáo viên không có năng lực xử sự khéo léo sẽ không thể mở cánh cửa tâm hồn các em, không đưa lại hiệu quả giáo dục”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem