Với diện tích gần 10 ha, 1 năm sản xuất khoảng 6 vụ rau, Liên tổ sản xuất và kinh doanh rau an toàn Tân Trung thuộc ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM hiện là nơi cung cấp lượng rau khá lớn cho thị trường thành phố và các tỉnh phía Nam.
Đó cũng là lý do Liên tổ Tân Trung được lựa chọn để áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap do Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm được Cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế Canada (gọi tắt là CIDA) hỗ trợ, cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được Bộ NN&PTNT giao làm đơn vị chủ quản.
|
Quy trình xử lý và đóng gói rau sạch Tân Trung. |
Chị Bùi Thị Kim Quyên là một trong 50 xã viên của Liên Tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung đang thu hoạch rau xà lách trên mảnh vườn rộng 2.000 m2 của nhà mình. Cùng với xà lách, các loại rau khác trên mảnh vườn này đem lại cho chị mỗi tháng 5 đến 10 triệu đồng.
Theo chị Quyên, mức thu nhập này cao hơn trước đây 30%. DDiều này chỉ có được trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, khi chị được các cán bộ của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP.
Chị Quyên cũng cho biết, từ ngày được đoàn Canada tài trợ mở các lớp tập huấn sử dụng phân, thuốc rồi lựa chọn các loại giống tốt đó thì cho năng suất tăng, sản phẩm đẹp hơn, bán được giá cao nên thu nhập của nông dân rất là khá, khá hơn nhiều so với trước đây.
Mục tiêu sản xuất rau ở đây là sản phẩm có chất lượng, an toàn, được người tiêu dùng chấp nhận. Để đạt được mục tiêu này, việc áp dụng thực hành sản xuất tốt theo quy trình VietGap trong sản xuất rau an toàn là bước đi mà Liên tổ Tân Trung đã triển khai kể từ tháng 6.2009, khi mà liên tổ được Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm hỗ trợ thực hiện.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ nhiệm Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung, ấp Đình, xã Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM cho biết: Sau khi được dự án CIDA hỗ trợ, liên tổ chúng tôi có những thay đổi là người dân đã biết ghi chép từ khâu chọn giống đến bón phân, phun thuốc để chứng minh sản phẩm mình làm là theo một chuỗi, có nguồn gốc rõ ràng.
Việc ghi chép này đã giúp cho hội viên nắm rõ được những hoạt động đã thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, để từ đó, có thể tuân thủ đầy đủ các quy định, đảm bảo cho vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết.
Ông Gilbert Parent, trưởng dự án của CIDA cho biết, dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng thực phẩm do chính phủ Canada phối hợp với chính phủ Việt Nam thực hiện, nhằm góp phần cải thiện về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với Liên Tổ Tân Trung, qua kết quả đánh giá sơ bộ, chúng tôi nhận thấy rằng họ đã thực hiện tốt các hướng dẫn quy trình kỹ thuật mà các chuyên gia Canada và ViệtNnam của chúng tôi đã đào tạo từ khâu đồng ruộng (ghi chép sổ sách đều đặn rõ ràng), đến khâu sơ chế đóng gói thành phẩm.
Ông Gilbert Parent cũng cho biết, điểm khác biệt của dự án chính là việc quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi xản xuất, giúp làm giảm thiệt hại do sản phẩm kém chất lượng gây ra ở tất cả công đoạn, tạo ra các giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các thành phần tham gia trong chuỗi.
Quỳnh Chi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.