Mộ danh y Tuệ Tĩnh bên Trung Quốc, vua Thiệu Trị lệnh nhốt tấm bia vào dinh Án sát Hải Dương
"Vị thánh thuốc Nam" đất Hải Dương (bài 2): Mộ bên Trung Quốc và tấm bia bị vua "nhốt" ở Dinh Án sát
Nguyễn Việt
Thứ tư, ngày 28/06/2023 06:09 AM (GMT+7)
Đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giảng, tỉnh Hải Dương gắn với câu chuyện ly kỳ về tấm bia khắc di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh bị một vị vua nhà Nguyễn ra lệnh "nhốt" vào kho. Sau này, dân làng đã lấy lại bia đá mang về cất giấu và âm thầm thờ bất kể lệnh vua ngăn cấm
Ly kỳ chuyện tấm bia bị vua nhà Nguyễn ra lệnh "nhốt" vào kho
Theo nguyện vọng của chúng tôi mong muốn được vào hậu cung đền Bia để chiêm ngưỡng tấm bia gắn với tích chuyện bị một vị vua triều Nguyễn ra lệnh "nhốt" vào kho. Chị Ngô Thị Huyền, nhân viên Ban Quản lý Di tích huyện Cẩm Giàng đã vui vẻ mở cửa hậu cung đền, tận tình giới thiệu cho khách hiểu thêm về di tích, về Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Ở hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo tài liệu của địa phương viết lại thì bức tượng này do nhân dân trong làng Văn Thai tự tay đúc để thờ từ những ngày đầu kiến thiết xây dựng đền .
Phía sau cùng của gian hậu cung còn có một khám đặt tấm bia đá bên trong ngay sau khám tượng Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. Nhìn vào trong khám bia, tấm bia trông như cây cột nhỏ, cao khoảng chừng 80 cm và rộng khoảng chừng 20 cm, đầu được mài nhọn.
Do thời gian và con người tác động, những chữ khắc trên bia đã những vết đục nham nhở, cộng với vị trí sắp đặt tấm bia ngay sau khám tượng thờ, khiến không gian chật chội, thiếu ánh sáng nên rất khó nhìn.
Chị Huyền cho biết, các chữ trên tấm bia chính là dòng chữ khắc lại lời di nguyện trên tấm bia mộ của Đại danh y Tuệ Tĩnh ở Giang Nam - Trung Quốc.
Đó là ước mong của thiền sư Tuệ Tĩnh trước khi mất ở nơi đất khách quê người "Về sau có ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với ". Tấm bia có chiều cao 80 cm, rộng 18 cm, dày 18 cm, nặng 75 kg, các chữ trên bia đã bị đục nên không đọc được.
Tương truyền, năm 1690 Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (người quê làng Nghĩa Phú) đi sứ sang Trung Quốc, khi qua Giang Nam tình cờ thấy mộ danh y Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng.
Trên bia mộ có khắc dòng chữ Hán có nghĩa là "Về sau có ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với". Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y được khắc phía sau tấm bia mộ, nhưng vì đang trên đường đi sứ nên không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về được, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho người lấy giấy bản dập mẫu.
Sau đó, khi về nước ông đã thuê thợ khắc bia và chở về quê hương. Năm ấy, cả vùng quê ngập nước, thuyền đến địa phận làng Văn Thai (đền Bia hiện nay) thì bị đắm. Tấm bia chìm xuống và không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn, nhân dân tìm thấy tấm bia. Thấy doi đất nổi như hình dao cầu (dao thái thuốc Nam) nhân dân liền dựng miếu nhỏ để thờ tấm bia.
Vào năm Thiệu Trị thứ 6 (năm 1846) xảy ra một chuyện hi hữu từ xưa tới nay chưa từng có, đó là tấm bia ở miếu thờ tấm bia của Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho khắc lời di nguyện của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh đã bị vua Thiệu Trị ra lệnh thu hồi đem về "nhốt" vào khó của Dinh Án sát tỉnh Hải Dương.
Nguyên nhân dẫn tới lệnh kỳ lạ của nhà vua bởi tại miếu thờ tấm bia này hàng ngày có hàng ngàn người đến cầu khấn, xin thuốc chữa bệnh, vua cho rằng việc này mang màu sắc mê tín nên ra lênh cấm việc cúng lễ và xin thuốc. Đồng thời ra lệnh thu tấm bia mang "nhốt" vào kho và cho đục bỏ các chữ về lời di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh trên tấm bia.
Một thời gian sau, một người trông giữ kho dinh Án sát tỉnh Hải Dương là người làng Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng đã lấy trộm tấm bia đó, bí mật đem về quê nhưng đáng tiếc tấm bia đã bị đục hết chữ không còn đọc được nữa. Sự việc này cũng được sử sách triều Nguyễn ghi chép lại trong sách Đại Nam thực lục chính biên.
Để tránh sự kiểm soát của triều đình, nhân dân đã xây dựng ngôi đền Trung liền sát đình Văn Thai để thờ Tuệ Tĩnh đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Năm 1936, khi miếu thờ bia được nhân dân tôn tạo xây dựng thành đền Bia theo kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Lúc này, tấm bia bị "nhốt" vào kho dinh Án sát tỉnh Hải Dương năm nào được nhân dân lấy về, cất giấu bấy lâu nay đã được đưa vào đặt tại hậu cung đền Bia và tồn tại đến ngày nay.
Lễ hội đền Bia bắt nguồn từ hiện tượng "Thánh ứng"
Ngày nay, đền Bia là một khu công trình khang trang, bề thế tọa lạc trên một diện tích quy hoạnh rộng 4 ha. Nghi môn thuộc khu thờ tự gồm 3 tòa cổng. Tòa cổng chính giữa 3 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Hai tòa cổng hai bên, 1 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Trước nghi môn là hồ nước rộng, có mặt bằng hình chữ nhật. Trên hồ, phía bên trái là một tòa Thủy đình, mặt phẳng lục giác, 2 tầng mái, 12 mái. Từ Thủy đình vào bờ qua một cây cầu. Sau hồ nước là một sân trong rộng. Hai bên sân là hai tòa Tả vu và Hữu vu .
Điện thờ có mặt bằng kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh " gồm tòa Tiền đường và Hậu đường. Tòa Tiền đường 5 gian, 2 tầng mái, 8 mái, theo phong thái kiến trúc thời Nguyễn. Tòa Hậu đường có mặt bằng hình chữ T (chữ đinh), gồm tòa Bái đường 5 gian và Hậu cung 3 gian. Bên trong gian Hậu cung đặt tượng thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh .
Khu y xá có ba khu công trình gồm: nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị. Đây là nơi bắt mach, kê đơn và chữa bệnh của những lương y. Khu vườn thuốc Nam rộng 1.200 m², được chia làm 9 ô tương ứng với 9 bài thuốc là 9 nhóm bệnh phổ cập. Hiện trong vườn có trên 150 loại cây thuốc được ghi rõ tên gọi từng loại và được chăm sóc chu đáo.
Theo nhân dân địa phương, lễ hội đền Bia bắt nguồn từ hiện tướng "Thánh ứng". Tương truyền, "Thánh ứng" vào ngày 1 tháng 4 âm lịch nên nhân dân địa phương lấy ngày này để tổ chức lễ hội. Trong những lần "Thánh ứng", người dân nhiều nơi trong nước kéo đến cúng bái và xin thuốc rất đông.
Liên quan đến việc này, dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau: Vào ngày 1 tháng 4 (âm lịch) năm Thiệu Trị thứ 6 (tức năm 1846), tại đây xảy ra hiện tượng "Thánh ứng".
Ngày hôm đó có cả ngàn, vạn người kéo về địa điểm dựng bia Tuệ Tĩnh tại Văn Thai để cũng lễ, xin thuốc chữa bệnh. Hai bên đường trước lối vào di tích, dân làng Văn Thai và Nghĩa Phú dựng lều, quán san sát để bán thuốc chữa bệnh cho người dân. Thuốc là những lá cây mọc tự nhiên xung quanh làng như duối, ích mẫu, hương nhu, xương rồng, lúa non… Ban đêm, các quán đốt đuốc đón khách sáng rực cả góc trời.
Vua Thiệu Trị biết tin cả giận nói rằng: "Ta là Hoàng đế đứng đầu thiên hạ mà không mấy kẻ đến lạy! Lạ thay, Tuệ Tĩnh chỉ là lão thầy thuốc tầm thường mà lại có cả ngàn người đến dâng hương". Đó cũng là khởi nguồn để dẫn đến câu chuyện ly kỳ về tấm bia khắc lời di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh bị vua banh lệnh thu hồi và "nhốt" vào kho, đồng thời chấm dứt các hoạt động cúng lễ và xin thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, người dân vẫn luôn tin "Vị thánh thuốc Nam" hiển linh cứu giúp dân, vì vậy vẫn âm thầm thờ ông.
Sau gần một thế kỷ, ngày 1 tháng 4 năm Bính Tý 1936 hiện tượng "Thánh ứng" lại tái hiện. Lần này, số lượng khách thập phương kéo về đông gấp bội. Việc cúng lễ và mua bán thuốc diễn ra tập nập kéo dài cả tháng.
Cũng trong thời gian này, có giai thoại kể rằng: Có ông Cửu Sinh làm lý trưởng, quê ở huyện Nam Sách bị bệnh dẫn đến liệt nửa người, sau khi chữa nhiều nơi không khỏi đã tới xin thuốc Thánh ở đền Bia về uống. Kỳ lạ thay, sau khi uống thuốc trị bệnh, ông Cửu Sinh đã khỏi bệnh và đi lại được. Để cảm tạ, tri ân "Vị thánh thuốc Nam", ông đã cung tiến bệ đá hình vuông cao 1,0 m, mỗi chiều rộng 1,4 m để làm nơi đặt khám thờ tượng Đại danh y Tuệ Tĩnh trong hậu cung đền Bia.
Chuyện về người dân thập phương có bệnh tìm về đền Bia để xin thuốc trị bệnh và đã khỏi bệnh có vô số.
Clip: Ly kỳ chuyện tấm bia khắc lời di nguyện của dại danh y Tuệ Tĩnh bị vua Thiệu Trị nhà Nguyễn ra lệnh "nhốt" trong kho Dinh Án sát Hải Dương. Thực hiện: Nguyễn Việt.
Hằng năm, vào dịp lễ hội truyền thống đền Bia thu hút đông đảo nhân dân và du khách về đền dâng hương, chiêm bái cầu mong "Vị thánh thuốc Nam" phù hộ sức khỏe, tránh tai ương, bệnh tật. Vì trong tâm linh người dân luôn coi Đại danh y Tuệ Tĩnh như một "Vị thánh" bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.