Gieo chữ ở ốc đảo giữa trời (Kỳ 4): Chuyện học trò chỉ có ở Yên Lỗ

Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 28/11/2021 09:31 AM (GMT+7)
Những câu chuyện về học sinh mà thầy giáo phải xử lý trong tình trạng dở khóc, dở cười. Những hoàn cảnh trớ trêu mà chỉ có bằng trách nhiệm và kỹ năng, kinh nghiệm của những nhà sư phạm gắn bám với bản làng mới thực sự gỡ nút thắt được.
Bình luận 0

Đó là những câu chuyện chỉ có ở Yên Lỗ, chỉ có ở học sinh Yên Lỗ mà thôi.

Nghỉ học vì... hết quần áo mặc

Kể về học sinh của mình, cô Vũ Thị Tính - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Lỗ (Bình Gia, Lạng Sơn) chia sẻ với chúng tôi những điều mà ngay cả đối với những giáo viên giảng dạy ở trường cũng lấy rất làm lạ: Đó là những tờ giấy phép xin nghỉ học. "Em viết giấy phép này xin cô chủ nhiệm cho em nghỉ, vì mưa nhiều ướt hết quần áo mặc rồi, em hứa sẽ chép bài đầy đủ"- cô Tính đọc một giấy xin nghỉ học cho tôi nghe. 

Cô Tính kể, cứ mưa ít bữa là thầy cô giáo lại nhận được những tờ giấy phép xin nghỉ vì học sinh không còn quần áo mặc như vậy. Đa số học sinh ở Yên Lỗ đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhiều em ra học nội trú chỉ có 2 bộ quần áo để thay đổi hàng ngày. Nên việc thiếu thốn cái mặc chẳng có gì là lạ đối với các em.

Thầy Hoàng Văn Linh - Hiệu phó Trường THCS Yên Lỗ chia sẻ thêm câu chuyện: Cứ vào đầu năm học là các thầy cô phải đến nhà một số em học sinh để vận động phụ huynh cho các em đến trường. Có những trường hợp khi đến, thấy gia cảnh khó khăn quá, các thầy còn phải góp tiền để mua sắm quần áo cho các em.

Gieo chữ ở ốc đảo giữa trời (kỳ 4): Chuyện học trò chỉ có ở Yên Lỗ  - Ảnh 1.

Một tiết học của cô trò Trường THCS Yên Lỗ. Ảnh: Gia Tưởng

Những người thầy ở ngôi trường vùng sâu này luôn phải đồng hành tới khi nào học sinh thuộc bài, nằm lên giường đi ngủ thì mới kết thúc một ngày làm việc.

Năm học vừa qua, một em học sinh lớp 7 phải nghỉ học vì nhà xa mà không có xe đạp để đi đến trường, các thầy cô cũng quyên góp để mua cho em học sinh đó 1 chiếc xe đạp. Dẫu vậy, em cũng chỉ đến trường được thêm 3 tuần nữa vì nhà nghèo quá, bố mẹ bắt ở nhà đi làm nương và chăn trâu phụ giúp gia đình. Ngày nghỉ học, em học sinh đã gặp thầy cô và hứa chỉ nghỉ một năm ở nhà thôi...

Học sinh Yên Lỗ đa phần là thuộc 2 dân tộc Dao và Nùng. Có những học sinh từ bản ra đến xã học, không chịu nói tiếng phổ thông, khi thầy cô hỏi bài còn dùng tiếng dân tộc để... cãi lại. Như trường hợp của một em học sinh tên Phương ở khối 9 của trường. Phương không chịu nói, ngay cả khi thầy cô hỏi. Các thầy cô phải tự phân công nhau trò chuyện với Phương. Sau 2 tháng, Phương đã cởi mở hơn, có chuyện gì cũng tìm các thầy cô để tâm sự và tìm sự chia sẻ.

Là người có nhiệm vụ quản sinh ở khu vực ký túc xá và nhà ăn trong nhiều năm, thầy giáo Linh cho biết: "Năm nào cũng vậy, đón học sinh lớp 6 vào trường là vất vả nhất. Các em mới từ bản ra, lần đầu xa nhà, nhiều em còn khóc nhè đòi về với ông bà, bố mẹ. Các thầy phải gần gũi, chuyện trò hàng ngày, hướng dẫn các em nền nếp sinh hoạt, vệ sinh cá nhân như chăm sóc những đứa con của mình".

Thầy Linh cũng cho biết thêm, làm công tác quản sinh cũng nhiều phen hú vía. Nửa đêm các thầy phải chở học sinh đi cấp cứu ở trạm xá cũng là điều bình thường. Do các em đau bụng, sốt đột ngột, hay do tuổi hiếu động mà xô đẩy làm ngã nhau sứt chân, sứt tay...

Ban đêm, lớp học vẫn sáng đèn

Đa số giáo viên của cả nước đến trường một hoặc hai buổi trong ngày. Nhưng thầy trò ở Trường THCS Yên Lỗ thì ban đêm vẫn lên lớp.

Mới hơn 5 giờ chiều nhưng ở vùng cao, trời đã tối nhọ mặt người rồi. Tôi được phân công ngủ nhờ ngay tại phòng tư vấn học đường trong khu ký túc xá của Trường THCS Yên Lỗ, nên cũng có cơ hội để quan sát cuộc sống sinh hoạt và học tập của các em học sinh ở đây.

Gieo chữ ở ốc đảo giữa trời (kỳ 4): Chuyện học trò chỉ có ở Yên Lỗ  - Ảnh 3.

Giấy phép xin nghỉ học vì không có quần áo. Ảnh: Gia Tưởng

5 giờ 30 các em đã được nhà bếp dọn cơm để ăn. Theo chân thầy Linh xuống bếp ăn, tôi khá bất ngờ khi bát đũa, bàn ăn, phòng ăn của nhà trường rất sạch sẽ. Bữa cơm của các em có đậu kho với thịt, và canh rau. Em nào cũng cho biết ăn cơm ở trường ngon và đầy đủ hơn ở nhà.

Thầy Linh cho biết: "Các em đi học nội trú ở đây, được nhà nước hỗ trợ 596.000 đồng tiền sinh hoạt hàng tháng. Nhìn chung với mức sinh hoạt của đồng bào thì cơm nhà trường nấu có phần đầy đủ hơn ở gia đình các em. Ngoài ra thì tiêu chuẩn mỗi em 1 tháng được 15kg gạo nhưng đa số là các em không sử dụng hết, số gạo thừa được nhà trường dùng để quyên góp hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Để họ hiểu các thầy cô hơn mà cho con em mình tới trường học".

Gieo chữ ở ốc đảo giữa trời (kỳ 4): Chuyện học trò chỉ có ở Yên Lỗ  - Ảnh 4.

Đến 6 giờ 30 tối, các lớp học sẽ được bật điện sáng, toàn bộ học sinh tự giác lên lớp ôn bài cũ, bài nào không hiểu thì tìm các thầy cô giáo bộ môn để hỏi lại. Theo cô Tính, vào giờ ôn bài buổi tối, Ban giám hiệu luôn cử một thầy cô trực cùng với giáo viên. Đến 8 giờ 30 tối, em nào thuộc bài được về ngủ. Em nào chưa thuộc thì các cô sẽ bồi dưỡng thêm.

Tôi đang ngồi trực cùng cô Tính để hỏi thêm chuyện về nhà trường thì cô giáo Thoa - vợ thầy Thương lên nộp sổ giao ban và báo cáo: "Hôm nay, các em học sinh xin được tắt điện đi ngủ muộn khoảng 30 phút, vì các em vẽ thiệp để chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Trong cơn lạnh tê tái của của xứ Lạng, giữa núi rừng u tịch của vùng sâu Yên Lỗ, có những lớp học vẫn sáng đèn tới gần nửa đêm. Điều đó, khiến chúng ta có thêm nhiều hy vọng về sự thay đổi ở nơi đây, khi còn có những người thầy âm thầm và mẫn cán bám giữ những lớp học này...

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem