Gieo chữ ở ốc đảo giữa trời (Kỳ 3): Cả gia đình cõng nhau lên núi

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 25/11/2021 06:33 AM (GMT+7)
Cuộc sống của các thầy cô giáo ở Yên Lỗ vô cùng vất vả. Nếu theo nếp suy nghĩ thông thường, hẳn ai có cơ hội chuyển công tác sẽ lập tức rút lui khỏi nơi đây. Vậy mà ở nơi này, lại có những gia đình cùng dắt nhau lên núi, để tiếp tục sự nghiệp trồng người ở nơi gian khó bậc nhất này...
Bình luận 0

Hai vợ chồng cùng vượt núi

Trong số 22 thầy cô giáo đang bám bản ở Trường THCS Yên Lỗ, thầy Hoàng Thương (sinh năm 1986) - Trưởng bộ môn toán là người có thâm niên kỳ cựu nhất với 11 năm dạy học ở mái trường này.

Thầy Thương tâm sự: "Hồi mới vào Yên Lỗ, thực sự em định bỏ nghề mấy lần. Lúc ấy mới ra trường, lương thấp quá, được hơn 3 triệu đồng. Đường đi thì khó khăn, có những đợt mưa, ăn mì tôm ở trường cả tuần không về được. Mang tiếng là đi làm nhưng tháng nào cũng phải xin tiền của bố mẹ. Nản vô cùng. Nhưng nghĩ đến ước mơ trở thành thầy giáo của mình nên em không bỏ nghề. Rồi em gặp vợ em là cô giáo Vi Thị Kim Thoa dạy bộ môn hóa sinh. Hai vợ chồng cứ đồng hành trên quãng đường núi 15km mỗi ngày để vào trường".

"Mới đây, hai vợ chồng vừa bị ngã. Vợ em bay ra khỏi xe máy rơi xuống vệ đường, còn em cùng xe trượt dốc đến hơn 20m. Cũng may cả hai không sao vẫn tiếp tục đến trường được" - anh Thương kể.

Gieo chữ ở ốc đảo giữa trời (kỳ 3): Cả gia đình cõng nhau lên núi - Ảnh 1.

Thầy giáo Đỗ Quang Dụng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Yên Lỗ. Ảnh: Gia Tưởng

Cô giáo Vi Thị Kim Thoa - vợ của thầy giáo Thương tâm sự: "Em có 2 cậu con trai, đứa học lớp 4 và đứa 4 tuổi đều gửi ông bà nội trông giúp. 2 vợ chồng nếu trời không mưa là 6 giờ sáng đèo nhau vào Yên Lỗ, chiều lại cùng nhau về. Có những lần cả tuần vì mưa mà không được về với con cũng nhớ lắm nhưng phải đành chịu".

Nói về dự định của 2 vợ chồng, thầy Thương thật thà: "Kể mà 1 trong 2 chúng em được về trường ở xã nhà Thiện Hòa công tác thì tốt quá. Các con cũng đang lớn cần người kèm cặp ở bên cạnh. Gia đình em yên tâm công hiến cho công cuộc giáo dục ở xã đệ nhất khó khăn này".

Ôm con ngược núi

Những ngày ở Trường THCS Yên Lỗ, thầy giáo Đỗ Quang Dụng - Phó Hiệu trưởng là một trong những người tôi ấn tượng nhất. Thầy rất nhiệt tình trong công việc và cũng rất ít khi nói về hoàn cảnh của mình.

Thầy Dụng (sinh năm 1985 là giáo viên dạy toán). Thầy đã có 2 học sinh đoạt giải Nhì quốc gia, và được đồng nghiệp đánh giá có chuyên môn khá cao. Quê ở Phú Bình (Thái Nguyên). Ra trường có nhiều cơ hội làm việc ở Hà Nội, nhưng chẳng hiểu sao thầy Dụng lại chọn mảnh đất Bình Gia xa xôi để lập nghiệp. 

Dụng tâm sự với tôi: "Mình là người thầy, việc hướng dẫn học sinh thuộc bài cũng là một điều tốt. Nhưng quan trọng nhất là phải phát huy được hết tố chất của mỗi em học sinh, làm cho các em tự tin hơn".

Khi tới Trường Mầm non Yên Lỗ tôi gặp cô Kiều Thị Lan Phương - vợ thầy Dụng. Cô Phương năm nay mới ôm con ngược núi theo chồng vào Yên Lỗ để gia đình được quy về một mối. "Chúng em học cùng nhau từ lớp 6 ở quê. Yêu và lấy nhau, em đã là công chức giáo dục mầm non ở TP.Thái Nguyên rồi, nhưng anh Dụng vẫn say sưa ở Bình Gia không về thành phố. Thôi thì trời chả chịu đất thì đất phải chịu trời, em ôm cậu con trai lên Bình Gia theo chồng vậy".

Ở mảnh đất mới ngoài thị trấn, gia đình thầy Dụng cũng đã xây được một ngôi nhà nhỏ. Nhưng thầy Dụng lại một lần nữa làm chim quay đầu về Yên Lỗ nên cả nhà bồng bế nhau ngược núi. 4 người ở trong một gian phòng tập thể của Trường THCS Yên Lỗ.

Cô Phương kể tiếp: Lên đến Yên Lỗ rồi, nhưng gia đình cũng đâu có được sớm tối bên nhau. Trường mầm non cách trường THCS khoảng 3km, nhưng hôm nào trời mưa, cô Phương và con gái hơn 2 tuổi phải tá túc nhờ trong nhà kho chứa đồ dùng học tập của trường. Có những lần cả tuần không về được, mặc thầy Dụng và cậu con trai học lớp 6 tự lo.

"Em nghĩ đơn giản, vất vả nhưng mình vẫn có việc làm, được cống hiến là mừng lắm rồi. Chỉ thương các con mình thì phải chịu thiệt thòi. Theo bố mẹ vào đây, các con ít có cơ hội giao lưu học tập. Nhưng đành chấp nhận bù đắp cho con cái những tình cảm khác vì nghề nghiệp của mình như vậy rồi thì biết sao" - cô Phương mỉm cười nói.

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình, cô Phương cho biết: "Vợ chồng em đi công tác cách quê nhà Phú Bình (Thái Nguyên) cũng chỉ độ 150km nhưng đã vào đến Yên Lỗ này thì cũng chỉ hè và tết là thu xếp về quê thăm nội ngoại được thôi. Còn ở quê có ma chay hiếu hỉ thì cũng chỉ biết nói các cụ và họ hàng thông cảm chứ chẳng thể về tham gia đầy đủ được".

Cũng vượt núi xa để vào Yên Lỗ làm nghề dạy học còn có cô giáo Hoàng Thị Tám người huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Cô Tám là giáo viên mầm non, trọ ở tập thể giáo viên. Ngày nào, cô cũng phải vượt sông Bằng Giang để sang điểm trường bên kia dạy học. Hay như cô giáo Lương Thị Ngà - giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THCS Yên Lỗ. Cô Ngà cũng 10 năm từ thị trấn Bình Gia cặm cụi vượt núi vào đây dạy học. Cô kể hôm nào bất dĩ cô mới ở lại trường, vì còn con nhỏ ở nhà. Chứ đêm hôm sớm tối, cô cũng cố gắng về nhà cho bằng được.

Suốt cả quãng đường ra - vào và 2 ngày làm việc ở Yên Lỗ trên con xe mấy lần bị thụt bánh phải cài cầu, tôi cứ thắc mắc tại sao lại có những người giáo viên bền bỉ, kiên tâm đến như vậy? Cả chục năm bám trường, đèo nhau đi trên con đường mà bị ngã xe là "đặc sản" này. Có lẽ chỉ khi đam mê, tình yêu và trách nhiệm với sự nghiệp trồng người, họ mới có thể vượt qua những khó khăn như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem